Đối tượng "bắt cóc" là bố đẻ của đứa trẻ và mục đích bắt cóc chỉ là để dành quyền nuôi dưỡng chăm sóc con thì sẽ xử lý như thế nào?
Từ những thông tin ban đầu do nghi can Tuấn khai tại CQĐT và thông tin báo chí đưa thì Tuấn và chị M. chung sống với nhau như vợ chồng từ lâu, cháu Tuệ Minh là con đẻ của Tuấn và chị M.
Khi mâu thuẫn giữa Tuấn và chị M nảy sinh, Tuấn và chị M đã đưa cháu Tuệ Minh đến gửi tại nhà bà H, mẹ đẻ chị M. Khi Tuấn đến đón cháu Tuệ Minh về để nuôi riêng thì gặp sự ngăn cản của bà H nên Tuấn đã giật lấy cháu Tuệ Minh đưa về chỗ trọ và sau đưa về một nhà nghỉ ở quận Nam Từ Liêm.
Như vậy, việc sống chung như vợ chồng giữa Tuấn và chị M là trái pháp luật theo quy định của luật Hôn nhân gia đình và không được pháp luật công nhận.
Nếu Tuấn và chị M muốn giải quyết vấn đề giành quyền nuôi con chung là cháu Tuệ Minh thì phải làm đơn yêu cầu Tòa án có thẩm quyền công nhận mình là cha hoặc mẹ cho con và đề nghị Tòa án tuyên giao con cho mình trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc. Người còn lại có nghĩa vụ cấp dưỡng (nếu có) theo phán quyết của Tòa án.
Luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc Công ty Luật Hưng Nguyên.
Tuy nhiên trong trường hợp này, Tuấn và chị M đã không xử sự như thế, chỉ vì một phút nóng nảy Tuấn muốn chăm sóc cho con mà Tuấn đã lựa chọn việc bắt cóc cháu Tuệ Minh. Hành vi của Tuấn là trái pháp luật, nhưng cũng đáng cảm thông.
Do Tuấn không có mục đích bắt cháu Tuệ Minh để chiếm đoạt tài sản (gây sức ép tinh thần, yêu cầu chị M hoặc bà H đưa tiền chuộc), vì thế hành vi của Tuấn không thể cấu thành tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 134 Bộ luật Hình sự.
Về cấu thành tội phạm ở Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản hành vi của người thực hiện tội phạm phải đồng thời xâm phạm hai khách thể được luật hình sự bảo vệ đó là quyền bất khả xâm phạm về thân thể và quyền sở hữu. Mục đích mà người phạm tội hướng tới là chiếm đoạt tài sản thì mới cấu thành tội này. Hành vi của Tuấn nếu có đủ căn cứ thì chỉ có thể cấu thành tội bắt giữ người trái pháp luật theo quy định tại điều 123 Bộ luật Hình sự.
Để làm rõ các lời khai của Tuấn thì cơ quan điều tra cần phải triệu tập chị M, bà H, các nhân chứng để làm rõ những lời khai của Tuấn có căn cứ hay không.
Cụ thể, cần làm rõ lời khai của Tuấn tại CQĐT là Tuấn với chị M chung sống với nhau như vợ chồng từ lâu, hiện đang sống chung với nhau, cháu Tuệ Minh là con đẻ của Tuấn và chị M, khi mâu thuẫn giữa Tuấn và chị M nảy sinh thì Tuấn và chị M đã đưa cháu Tuệ Minh đến gửi tại nhà bà H có đúng sự thật hay không?
Từ thời điểm Tuấn và chị M chung sống với nhau thi họ có tiến hành đăng ký kết hôn theo đúng quy định của pháp luật hay không? Thu thập giấy khai sinh của cháu Tuệ Minh, tiến hành trưng cầu giám định AND để xác định cháu bé Tuệ Minh có phải là con đẻ của Tuấn hay không?
Xin cảm ơn luật sư!
Phương Vy
Thư Viện Pháp Luật