Phạm vi, nội dung hợp đồng thử việc?
Công ty luật Cương Lĩnh xin trả lời câu hỏi như sau:
Theo quy định tại Điều 26 Bộ luật Lao động 2012 thì: “Người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận về việc làm thử, quyền, nghĩa vụ của hai bên trong thời gian thử việc. Nếu có thỏa thuận về việc làm thử thì các bên có thể giao kết hợp đồng thử việc”. Như vậy, có thể thấy, hợp đồng thử việc chính là thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động về việc làm thử, quyền và nghĩa vụ của hai bên trong thời gian thử việc.
1. Phạm vi được giao kết hợp đồng thử việc
Theo quy định tại Điều 26 Bộ luật Lao động 2012 thì người lao động làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ thì không phải thử việc. Như vậy, người sử dụng lao động và người lao động chỉ có thể thỏa thuận về việc làm thử nếu người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng.
2. Nội dung của hợp đồng thử việc
Theo quy định tại Bộ luật Lao động 2012 thì hợp đồng thử việc gồm các nội dung sau:
- Tên và địa chỉ của người sử dụng lao động hoặc của người đại diện hợp pháp;
- Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, địa chỉ nơi cư trú, số chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ hợp pháp khác của người lao động;
- Công việc và địa điểm làm việc;
- Thời hạn của hợp đồng thử việc;
- Thời gian thử việc;
Điều 27 Bộ luật Lao động 2012 quy định về thời gian thử việc như sau:
“Thời gian thử việc căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc 01 lần đối với một công việc và bảo đảm các điều kiện sau đây:
1. Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;
2. Không quá 30 ngày đối với có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn kỹ thuật trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ;
3. Không quá 06 ngày làm việc đối với công việc khác”
- Mức lương, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác
Theo quy định tại Điều 28 Bộ luật Lao động 2012 thì tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.
- Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi
Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của người lao động trong thời gian thử việc do các bên thỏa thuận nhưng không được trái với quy định của pháp luật về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của người lao động thông thường.
- Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động
3. Chấm dứt hợp đồng thử việc
Thời gian thử việc sẽ chấm dứt khi hợp đồng thử việc hết thời hạn hoặc trong một số trường hợp khác mà pháp luật có quy định về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng thử việc.
Điều 29 Bộ luật Lao động 2012 quy định về kết thúc thời gian thử viêc như sau:
“1. Khi việc làm thử đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động.
2. Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ thỏa thuận thử việc mà không cần báo trước và không phải bồi thường nếu việc làm thử không đạt yêu cầu mà hai bên đã thỏa thuận”.
Thư Viện Pháp Luật