Điều kiện nâng bậc lương trước thời hạn cho Thạc sĩ?
Công ty luật Cương Lĩnh xin trả lời câu hỏi như sau:
Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo và tiêu chuẩn của giảng viên được quy định tại điểm e, khoản 1, Điều 77 Luật Giáo dục như sau:
- Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên và có những chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với nhà giáo giảng dạy cao đẳng, đại học;
- Có bằng thạc sĩ trở lên đối với nhà giáo giảng dạy chuyên đề, hướng dẫn luận văn thạc sĩ;
- Có bằng tiến sĩ đối với nhà giáo giảng dạy chuyên đề, hướng dẫn luận án tiến sĩ .
Như vậy, theo quy định trên thì việc giảng dạy ở trường Đại học có cần bằng Thạc sỹ hay không còn tùy vào vị trí giảng dạy ở trường.
Theo Quy chế ban hành kèm theo Quyết Định 51/QĐ-LĐTBXH về việc ban hành quy chế nâng bậc lương thường xuyên, nâng bậc lương trước thời hạn đối với công chức, viên chức và người lao động quy định như sau:
Điều 3. Nguyên tắc xét nâng bậc lương
“1. Bảo đảm công khai, công bằng, dân chủ, khách quan và đúng pháp luật.
2. Nâng bậc lương thường xuyên được thực hiện theo quý (03 tháng/1 lần) vào tháng đầu tiên của mỗi quý.
3. Nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ thực hiện mỗi năm một lần và kết thúc trước ngày 31 tháng 3 năm sau.
4. Nâng bậc lương trước thời hạn đối với công chức, viên chức và người lao động đã có thông báo nghỉ hưu thực hiện khi công chức, viên chức, người lao động có thông báo nghỉ hưu và đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định.”
Điều 5. Điều kiện, tiêu chuẩn xét nâng bậc lương thường xuyên
Công chức, viên chức và người lao động chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch công chức (sau đây gọi là ngạch), trong chức danh nghề nghiệp viên chức (sau đây gọi là chức danh) thì được xét nâng 1 bậc lương thường xuyên khi có đủ điều kiện và tiêu chuẩn sau đây:
1. Điều kiện về thời gian giữ bậc trong ngạch, trong chức danh
a) Đối với công chức, viên chức và người lao động giữ ngạch, chức danh loại A3, A2, A1, A0 thì sau 3 năm (đủ 36 tháng) giữ bậc lương trong ngạch hoặc trong chức danh được xét nâng 1 bậc lương.
b) Đối với công chức, viên chức và người lao động giữ ngạch, chức danh loại B, C và nhân viên thừa hành, phục vụ thì sau 2 năm (đủ 24 tháng) giữ bậc lương trong ngạch hoặc trong chức danh được xét nâng 1 bậc lương.
2. Tiêu chuẩn xét nâng bậc lương thường xuyên
Công chức, viên chức, người lao động có đủ điều kiện thời gian giữ bậc quy định tại Khoản 1 Điều này và qua đánh giá, đạt đủ 2 tiêu chuẩn sau đây trong suốt thời gian giữ bậc lương thì được nâng 1 bậc lương thường xuyên:
a) Đối với công chức:
- Tiêu chuẩn 1: Được cấp có thẩm quyền đánh giá từ mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực trở lên;
- Tiêu chuẩn 2: Không vi phạm kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức.
b) Đối với viên chức và người lao động:
- Tiêu chuẩn 1: Được cấp có thẩm quyền đánh giá từ mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên;
- Tiêu chuẩn 2: Không vi phạm kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, cách chức.
Điều 11. Điều kiện, tiêu chuẩn nâng bậc lương trước thời hạn và chế độ hưởng
1. Điều kiện nâng bậc lương trước thời hạn
Công chức, viên chức và người lao động được xét nâng bậc lương trước thời hạn khi đáp ứng đồng thời các điều kiện sau:
a) Đạt đủ tiêu chuẩn quy định tại Khoản 2 Điều 5 Quy chế này.
b) Lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền công nhận bằng văn bản, đáp ứng các tiêu chuẩn về cấp độ thành tích theo quy định và năm xét nâng bậc lương trước thời hạn phải đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp cơ sở trở lên. Đối với Lãnh đạo đơn vị (gồm thủ trưởng, phó thủ trưởng đơn vị), ngoài điều kiện quy định trên còn yêu cầu đơn vị phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Bộ công nhận là "Tập thể lao động xuất sắc" trở lên vào năm xét nâng bậc lương trước thời hạn.
Các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng để xét nâng bậc lương trước thời hạn là các danh hiệu được Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành xét tặng do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ được giao; không tính các danh hiệu thi đua và bằng khen trong hoạt động phong trào quần chúng hoặc các phong trào thi đua ngắn hạn, không trong phạm vi nhiệm vụ được giao. Thành tích đã được tính để xét nâng bậc lương trước thời hạn thì không được tính để xét nâng bậc lương trước thời hạn cho các lần tiếp theo.
c) Chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh và tính đến ngày 31 tháng 12 của năm xét nâng bậc lương trước thời hạn, còn thiếu từ 12 tháng trở xuống để được nâng bậc lương thường xuyên.
d) Không thực hiện nâng bậc lương trước thời hạn hai lần liên tiếp (hai bậc liền kề) trong cùng ngạch hoặc cùng chức danh.
Bạn có thể tham khảo các quy định trên để đối chiếu với trường hợp của mình để được xét nâng bậc lương. Vì việc bạn lấy bằng thạc sĩ chưa đủ điều kiện để được nâng bậc lương trước thời hạn.
Thư Viện Pháp Luật