Làm thế nào để tránh lỗi đi sai làn đường?
Công ty Luật Cương Lĩnh xin trả lời câu hỏi như sau:
Thứ nhất: Quy định về vạch kẻ đường, việc sử dụng làn đường.
Khoản 7 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định: “7. Làn đường là một phần của phần đường xe chạy được chia theo chiều dọc của đường, có bề rộng đủ cho xe chạy an toàn.”
Thông tư số 17/2012/TT-BGTVT ngày 29 tháng 5 năm 2012 Điều 49 QCVN 41: 2012/BGTVT ban hành kèm theo thông tư: “Vạch kẻ đường khi sử dụng độc lập thì mọi người tham gia giao thông phải tuân theo ý nghĩa của vạch kẻ đường. Vạch kẻ đường khi sử dụng kết hợp với đèn tín hiệu, biển báo hiệu thì mọi người tham gia giao thông phải tuân theo ý nghĩa, hiệu lệnh của cả vạch kẻ đường và đèn tín hiệu, biển báo hiệu theo thứ tự quy định tại Điều 3 của Quy chuẩn này.”
Điểm f Mục G.1 Phụ lục G QCVN 41: 2012/BGTVT ban hành theo Thông tư số 17/2012/TT-BGTVT ngày 29 tháng 5 năm 2012 quy định:
“f) Các loại vạch tín hiệu giao thông và mầu vạch được phân loại như sau:
- Vạch đứt khúc trắng: Khi vạch theo chiều dọc đường với tác dụng phân chia các làn xe cùng chiều để lái xe nhận biết điều khiển xe chạy an toàn. Nếu vạch ở đầu đường thì có tác dụng hướng dẫn xe chạy đúng tuyến đường;
- Vạch liền trắng: Khi vạch theo chiều dọc đường với tác dụng phân cách giữa làn xe có động cơ và làn xe không có động cơ, hoặc giới hạn ngoài của đường dành riêng cho xe chạy. Khi vạch ở đầu đường có tác dụng hướng dẫn xe chạy hoặc xe dừng;”
Điều 13 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định:
“1. Trên đường có nhiều làn đường cho xe đi cùng chiều được phân biệt bằng vạch kẻ phân làn đường, người điều khiển phương tiện phải cho xe đi trong một làn đường và chỉ được chuyển làn đường ở những nơi cho phép; khi chuyển làn đường phải có tín hiệu báo trước và phải bảo đảm an toàn.
2. Trên đường một chiều có vạch kẻ phân làn đường, xe thô sơ phải đi trên làn đường bên phải trong cùng, xe cơ giới, xe máy chuyên dùng đi trên làn đường bên trái.
3. Phương tiện tham gia giao thông đường bộ di chuyển với tốc độ thấp hơn phải đi về bên phải.”
Như vậy, Căn cứ quy định nêu trên:
+ Vạch liền trắng thể hiện phân cách làn giữa xe có động cơ và xe không có động cơ (hoặc giới hạn ngoài của đường dành riêng cho xe chạy)
+ Trên đường một chiều có vạch kẻ phân làn đường, xe thô sơ phải đi trên làn đường bên phải trong cùng, xe cơ giới, xe máy chuyên dùng đi trên làn đường bên trái.
Việc chuyển làn chỉ được chuyển làn đường ở những nơi cho phép; khi chuyển làn đường phải có tín hiệu báo trước và phải bảo đảm an toàn.
Thứ hai quy định Về vấn đề xử lý vi phạm.
Hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ (đối với xe máy) theo quy định tại Điều 6 k2 điểm a, k4 điểm g NĐ 171/2013/NĐ - CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt bị xử phạt hành chính như sau:
2. Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Chuyển làn đường không đúng nơi được phép hoặc không có tín hiệu báo trước;
4. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
g) Điều khiển xe không đi bên phải theo chiều đi của mình; đi không đúng phần đường, làn đường quy định hoặc điều khiển xe đi trên hè phố;”
Thứ ba Quy định về hướng đi của làn xe ở nơi giao nhau:
Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ, các vạch kẻ đường hình mũi tên chỉ dẫn hướng đi cho phép của từng làn xe ở nơi giao nhau thuộc vạch số 1.18. Vạch này vẽ trước nơi giao nhau ở từng làn riêng bắt buộc lái xe phải tuân theo mũi tên chỉ hướng đi.
Mũi tên thứ nhất (từ trái sang): Vạch này là chỉ cho phép đi thẳng. Nếu người điều khiển phương tiện đi trên làn đường này mà rẽ, tức là vi phạm.
Mũi tên thứ hai: Vạch này là chỉ cho phép rẽ phải. Nếu người điều khiển phương tiện đi trên làn đường này mà đi thẳng hoặc rẽ trái, tức là vi phạm.
Mũi tên thứ ba: Vạch này là chỉ cho phép rẽ trái. Nếu người điều khiển phương tiện đi trên làn đường mày mà đi thẳng hoặc rẽ phải, tức là vi phạm.
Mũi tên thứ tư: Vạch này là cho phép đi thẳng hoặc rẽ phải, nghĩa là chủ phương tiện đi thẳng hay rẽ phải đều có thể đứng ở làn đường này. Nếu người điều khiển xe đi trên làn đường này mà rẽ trái, tức là vi phạm.
Mũi tên thứ năm: Vạch này là cho phép đi thẳng hoặc trái, nghĩa là chủ phương tiện đi thẳng hay rẽ trái đều có thể đứng ở làn đường này. Nếu người điều khiển xe đi trên làn đường này mà phải, tức là vi phạm.
Mũi tên thứ sáu: Vạch này là cho phép đi rẽ phải hoặc rẽ trái, nghĩa là chủ phương tiện rẽ phải hay rẽ trái đều có thể đứng ở làn đường này. Nếu người điều khiển xe đi trên làn đường này đi thẳng, tức là vi phạm.
Vạch số 1.18 thường được dùng phối hợp với biển số 411 “Hướng đi trên mỗi làn đường theo vạch kẻ đường”, để chỉ dẫn cho người lái xe biết số lượng làn đường trên mặt đường và hướng đi trên mỗi làn đường theo vạch kẻ đường. Tùy theo tình hình thực tế về số lượng làn đường và hướng đi trên mỗi làn đường mà có ký hiệu chỉ dẫn phù hợp. Biển có tác dụng bắt buộc người lái xe phải đi đúng làn đường đã được chỉ dẫn hướng phù hợp với hành trình cuả xe.
Thư Viện Pháp Luật