Hậu quả pháp lý của việc mua phải xe ăn trộm?
Công ty Luật Cương Lĩnh xin trả lời câu hỏi như sau:
Trong trường hợp của bạn, theo quy định của pháp luật, cơ quan điều tra sẽ thu hồi chiếc xe mà bạn đã mua. Nếu tìm ra được chủ sở hữu thì căn cứ khoản 2 Điều 76 Bộ Luật tố tụng hình sự, cơ quan điều tra sẽ trả lại cho họ, nếu không tìm được chủ sở hữu, căn cứ vào Điều 41 Bộ luật hình sự, chiếc xe của bạn sẽ bị tịch thu xung công quỹ.
- Theo quy định tại Điều 122 Bộ Luật dân sự về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự thì giao dịch dân sự chỉ có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự;
b) Mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội;
c) Người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện.
Ngoài ra điều luật còn quy định hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực trong một số trường hợp nhất định.
Theo Điều 127 BLDS, khi giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện được quy định tại Điều 122 nêu trên thì vô hiệu. Theo đó, hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu là: “Các bên phải khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường”.
Đối chiếu với các quy định mà chúng tôi vừa viện dẫn thì việc chủ cửa hàng cầm đồ bán cho bạn chiếc xe máy là tang vật của một vụ trộm là đã vi phạm điều cấm của pháp luật. Do vậy, việc mua bán đương nhiên bị vô hiệu. Để bảo vệ quyền lợi cho mình, bạn cần làm đơn khởi kiện tranh chấp hợp đồng mua bán xe đòi lại số tiền mà bạn đã bỏ ra mua chiếc xe đó, những chi phí bỏ ra để tu sửa lại chiếc xe và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Thư Viện Pháp Luật