Đánh người, đập phá đồ đạc bị xử lý như thế nào?

Chú em mở quán bán thịt lợn, có mâu thuẫn với một người cùng làm ăn. Người này đã cùng con trai và bạn của con xông vào nhà đánh chú em và đập phá đồ đạc trong nhà. Em muốn hỏi người kia có thể bị xử lý như thế nào?

Công ty luật Cương Lĩnh xin trả lời câu hỏi của bạn như sau:

- Thứ nhất, về hành vi đánh người:

Cần phải căn cứ vào tỉ lệ thương tật của chú bạn sau khi bị đánh để xác định cần xử phạt hành chính hay phải truy cứu trách nhiệm hình sự.

+ Trường hợp tỷ lệ thương tật của chú bạn từ 31% đến 60% thì theo quy định tại Điều 104 Bộ luật Hình sự, hành vi đánh người gây thương tích trên sẽ bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

Ngoài ra, đối với trường hợp tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm (theo khoản 2 Điều 104 BLHS):

a. Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;

b. Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;

c. Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;

d. Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

đ. Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e. Có tổ chức;

g. Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;

h. Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;

i. Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;

k. Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì  lý do công vụ của nạn nhân.

+ Trường hợp tỉ lệ thương tật của chú bạn dưới 11% nhưng không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 104 BLHS thì hành vi đánh người trên chỉ bị xử phạt hành chính theo điểm a khoản 2 Điều 5 Nghị định 167/201/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình. Mức phạt là từ 500.000 đến 1.000.000 đồng đối với hành vi đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau.

 

- Thứ hai, về hành vi đập phá đồ đạc:

Hành vi đập phá tài sản của người khác là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, tùy theo mức độ hư hỏng tài sản mà sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

+ Hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ 2 triệu đồng thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 143 BLHS 1999 sửa đổi bổ sung 2009.

“Điều 143. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản

1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ  sáu tháng đến ba năm.”

+ Nếu hành vi hủy hoại tài sản đó chưa tới mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/201/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Tội xâm phạm tính mạng sức khỏe

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào