Giải quyết tranh chấp về hợp đồng lao động
Chào bạn,
Vấn đề bạn hỏi, Luật sư Đào Thị Liên – Công ty Luật Tiền Phong xin được tư vấn cho bạn như sau:
1. Quy định về sửa đổi hợp đồng lao động
Điều 35, Bộ Luật Lao động 2012 quy định về Sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động như sau:
- Trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động, nếu bên nào có yêu cầu sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động thì phải báo cho bên kia biết trước ít nhất 3 ngày làm việc về những nội dung cần sửa đổi, bổ sung.
- Trong trường hợp hai bên thỏa thuận được thì việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động được tiến hành bằng việc ký kết phụ lục hợp đồng lao động (Phụ lục hợp đồng lao động là một bộ phận của hợp đồng lao động và có hiệu lực như hợp đồng lao động. Trường hợp phụ lục hợp đồng lao động dùng để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động thì phải ghi rõ nội dung những điều khoản sửa đổi, bổ sung và thời điểm có hiệu lực) hoặc giao kết hợp đồng lao động mới.
- Trong trường hợp hai bên không thoả thuận được việc sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động thì tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết.
Như vậy, nếu bạn không đồng ý sửa đổi nội dung hợp đồng thì công ty vẫn phải thực hiện hợp đồng cũ cho đến hết thời hạn của hợp đồng.
2. Giải quyết tranh chấp
Theo thông tin bạn cung cấp trong phiếu thanh toán lương trong tháng tiếp theo công ty tự ý đơn phương thay đổi hợp đồng là hạ mức lương đóng BHXH là 2.800 000VNĐ và các mục khác như hợp đồng mới. Như vậy, công ty đã vi phạm quy định của hợp đồng lao động cũ.
Bạn có thể lựa chọn các phương án sau đây để bảo về quyền lợi của mình:
2.1. Kiến nghị
Gửi kiến nghị đến công ty (trực tiếp hoặc bằng văn bản) để yêu cầu được giải quyết quyền lợi, trường hợp để tiện lưu trữ hồ sơ sau này tố cáo hoặc khởi kiện nếu công ty cố tình trây ỳ không trả thì bạn nêu yêu cầu bằng văn bản gửi bảo đảm đến công ty và lưu lại biên lai chuyển phát.
Hoặc, gửi hồ sơ lên hòa giải viên lao động như hướng dẫn sau đây:
2.2. Hòa giải
Trường hợp của bạn là tranh chấp về hợp đồng lao động, thủ tục giải quyết bắt buộc phải thông qua hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu tòa án giải quyết (Điều 201 Bộ Luật Lao động).
Bạn nộp yêu cầu hòa giải tranh chấp lao động tại Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, thời gian hòa giải là 5 ngày làm việc.
Tại phiên họp hoà giải phải có mặt hai bên tranh chấp. Các bên tranh chấp có thể uỷ quyền cho người khác tham gia phiên họp hoà giải.
Hoà giải viên lao động có trách nhiệm hướng dẫn các bên thương lượng. Trường hợp hai bên thỏa thuận được, hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải thành. Trường hợp hai bên không thỏa thuận được, hòa giải viên lao động đưa ra phương án hoà giải để hai bên xem xét. Trường hợp hai bên chấp nhận phương án hoà giải, hoà giải viên lao động lập biên bản hoà giải thành.
Trường hợp hai bên không chấp nhận phương án hoà giải hoặc một bên tranh chấp đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng, thì hoà giải viên lao động lập biên bản hoà giải không thành.
Bản sao biên bản hoà giải thành hoặc hoà giải không thành phải được gửi cho hai bên tranh chấp trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản.
Trường hợp không bằng lòng với kết quả giải quyết của hòa giải viên lao động, một trong các bên có quy định chọn giải pháp khởi kiện tại tòa án để yêu cầu giải quyết.
2.3. Giải quyết bằng Tòa án
- Về thời hiệu:
Thời hiệu yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 01 năm, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.
- Về hồ sơ: bạn cần chuẩn bị các tài liệu sau:
+ Giấy tờ nhân thân: Chứng minh nhân dân/hộ khẩu (1 bản sao chứng thực);
+ Hợp đồng lao động;
+ Chứng cứ về việc doanh nghiệp của bạn vi phạm: yêu cầu bạn ký lại hợp đồng lao động không đúng quy định của pháp luật, chi trả thiếu lương…
+ Các giấy tờ pháp lý của doanh nghiệp (giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp) nếu có.
Hồ sơ được gửi đến tòa án nhân dân cấp quận/huyện nơi doanh nghiệp có trụ sở chính. Nếu doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài thì thẩm quyền thuộc tòa án nhân dân cấp tỉnh.
- Thời gian giải quyết: thông thường giai đoạn chuân bị xét xử khoảng 4 tháng (chưa kể thời gian gia hạn – nếu có) và thời gian để đưa vụ án ra xét xử: 1 tháng kể từ ngày kết thúc giai đoạn chuẩn bị xét xử.
- Bản án và thi hành bản án: căn cứ bản án của tòa án, đương sự có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án tổ chức thực hiện thi hành án.
Thư Viện Pháp Luật