Tôi có một người Dì ruột cưới chồng đã được 7 năm và đã có 2 cháu. Một cháu gái được 6 tuổi và một cháu trai được 4 tuổi. Người chồng ở Quảng Ngãi và Dì tôi ở Thành phố Hồ Chí Minh. Lúc đám cưới Dì tôi chỉ ra Quảng Ngãi làm đám cưới sau đó 2 vợ chồng về thẳng Sài Gòn sống luôn, không ở lại bên nhà chồng. Sống ở Sài Gòn được 4 năm và có 2 cháu. Sau đó người chồng dẫn 2 cháu và Dì tôi về Quảng Ngãi sống 6 tháng. Trong vòng 6 tháng sống ở Quảng Ngãi do không quen với môi trường sống khắc nghiệt, 2 cháu bệnh rất nhiều. Cháu gái bệnh và uống thuốc thường xuyên. Vì thương con, lo lắng cho con còn nhỏ uống thuốc nhiều có thể ảnh hưởng đến tình trạng của cháu sau này và cũng muốn chăm sống bố mình (ông ngoại 2 cháu). Dì tôi đã bàn bạc với chồng cho con vào Sài Gòn sống 3 năm. Ban đầu người chồng không vui và không đồng ý, nhưng sau đó cũng vì thương con và do điều kiện làm ăn bên đó còn nhiều thiếu thốn nên cũng cho phép về Sài Gòn sống. Lần trở về Sài Gòn sống này chỉ có Dì tôi và 2 cháu về, còn người chồng thì ở lại Quảng Ngãi làm ăn. Sau 3 năm sau Dì tôi đã gọi điện thoại ra Quảng Ngãi gặp bố chồng. Dì tôi có thưa với bố chồng sẽ cùng 2 cháu về Quảng Ngãi sống. Bố chồng rất vui vẻ và niềm nở. Ông cũng mong gia đình Dì tôi sum họp và cùng nhau làm ăn. Nhưng người chồng thì giận và không muốn Dì tôi ra đó. Người chồng gọi điện nói nhiều lời lẽ ngăn cản Dì tôi ra Quảng Ngãi, thậm chí còn buông lời đe dọa sẽ ly hôn nếu Dì tôi ra đó. Và Dì tôi đã phát hiện người chồng đó đã có người khác. Vì thương con và thương chồng nên Dì tôi đã cương quyết về Quảng Ngãi để giữ chồng, giữ bố cho con. Khi Dì tôi ra Quảng Ngãi bố mẹ chồng vẫn tiếp đón và cho ở. Nhưng người chồng thì lại không gặp mặt... Mấy hôm nay người chồng đó đã uống rượu, nổi điên và đã tạt xăng vào Dì tôi và bọn trẻ, đòi đốt chết. Mỗi ngày sống trong lo sợ, phập phồng. Nên bây giờ Dì tôi muốn ly hôn, thì liệu Dì tôi có được quyền nuôi con hay không. Bên Nội và Ngoại đều khá giả, đều có đủ điều kiện nuôi con. Nhưng liệu tòa án có phán mỗi người nuôi 1 con không? Làm như thế nào thì Dì tôi mới được quyền nuôi 2 con? Xin tuvan.doisongphapluat.com có thể giúp Dì tôi hiểu rõ hơn về pháp luật hôn nhân và gia đình này. Tôi xin cám ơn rất nhiều. Thân.
Cảm ơn bạn đã gửi thư về cho chúng tôi. Vấn đề của bạn, công ty luật Cương Lĩnh xin được giải đáp như sau:
Điểm d mục 11 Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao số 02/2000/NĐ-HĐTP ngày 23 tháng 12 năm 2000 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 có quy định cụ thể về vấn đề trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con sau khi ly hôn như sau:
“d. Trong trường hợp vợ, chồng không thoả thuận được về người trực tiếp nuôi con thì Toà án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi con căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con, đặc biệt là các điều kiện cho sự phát triển về thể chất, bảo đảm việc học hành và các điều kiện cho sự phát triển tốt về tinh thần. Nếu con từ đủ chín tuổi trở lên, thì trước khi quyết định, Toà án phải hỏi ý kiến của người con đó về nguyện vọng được sống trực tiếp với ai.
Về nguyên tắc, con dưới ba mươi sáu tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi con, nếu các bên không có thoả thuận khác”.
Như vậy, hai vợ chồng dì bạn đã có con trên 36 tháng tuổi, vậy quyền nuôi con giữa hai người là ngang nhau, hai người có thể tự thỏa thuận với nhau về quyền nuôi con.
Tuy nhiên, trong trường hợp vợ chồng dì bạn không thỏa thuận được với nhau về việc dì bạn hay chồng là người trực tiếp nuôi con; cũng như nếu dì bạn có đủ cơ sở để chứng minh việc người chồng không đảm bảo được các quyền lợi của con (như điều kiện về nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục; đặc biệt là các điều kiện cần thiết cho sự phát triển về thể chất, bảo đảm về việc học hành và các điều kiện cho sự phát triển tốt về tinh thần của con), trong khi đó, dì bạn lại đáp ứng được đầy đủ được những điều kiện này, thì Tòa án có thể xem xét, quyết định cho dì bạn được quyền nuôi con. Nhìn chung, khi quyết định trao quyền nuôi con cho người vợ hay người chồng, Tòa án đều phải xem xét quyền lợi về mọi mặt của cháu bé trên thực tế.
Nguồn: Công ty Luật Cương Lĩnh/seatimes.com.vn