Quy định về chế độ dưỡng sức sau khi nghỉ thai sản?
Công ty Luật Cương Lĩnh xin trả lời câu hỏi như sau:
Theo khoản 1 Điều 37 Luật BHXH và hướng dẫn tại Điều 17 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP, chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản được quy định như sau:
Lao động nữ sau thời gian hưởng chế độ khi sẩy thai, nạo, hút thai hoặc thai chết lưu, hoặc sau thời gian hưởng chế độ khi sinh con mà sức khoẻ còn yếu thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.
Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe trong một năm tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hàng tuần, ngày đi và về nếu nghỉ tại cơ sở tập trung. Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở hoặc Ban Chấp hành Công đoàn lâm thời quyết định, cụ thể như sau:
- Tối đa 10 ngày đối với lao động nữ sinh một lần từ 2 con trở lên.
- Tối đa 7 ngày đối với lao động nữ sinh con phải phẫu thuật.
- Bằng 5 ngày đối với các trường hợp khác.
Mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe một ngày:
- Bằng 25% mức lương tối thiểu chung nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tại gia đình.
- Bằng 40% mức lương tối thiểu chung nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tại cơ sở tập trung, mức hưởng này tính cả tiền đi lại, tiền ăn và ở.
Theo quy định này, điều kiện lao động nữ được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thời gian hưởng chế độ khi sẩy thai, nạo, hút thai hoặc thai chết lưu hoặc sau thời gian hưởng chế độ khi sinh con là sức khoẻ của họ còn yếu không thể đi làm được, không thể tham gia công tác, lao động sản xuất được.
Trong thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe, BHXH chi trả chế độ theo mức quy định tại khoản 3 Điều 17 Nghị định 152/2006/NĐ-CP. Do lao động nữ nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe, không đi làm được nên người sử dụng lao động sẽ không phải trả tiền lương trong thời gian người lao động nghỉ việc (bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hàng tuần nằm trong khoảng thời gian nghỉ việc dưỡng sức).
Do vậy Luật BHXH quy định BHXH chi trả chế độ nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe đối với lao động nữ sau thai sản cho tất cả các ngày nghỉ mà họ không làm việc, không được người sử dụng lao động trả lương (tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hàng tuần, ngày đi và về nếu nghỉ tại cơ sở tập trung) là bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho lao động nữ.
Nguồn: Công ty Luật Cương Lĩnh/Nguoiduatin
Thư Viện Pháp Luật