Bao giờ mới áp dụng ghi âm để tránh bức cung, dùng nhục hình?
Theo quy định tại khoản 6 Điều 183 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015: “Việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Việc hỏi cung bị can tại địa điểm khác được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo yêu cầu của bị can hoặc của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng”.
Như vậy, việc ghi âm là “bắt buộc” trong các hoạt động hỏi cung của Điều tra viên tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Trong trường hợp việc hỏi cung được thực hiện tại địa điểm khác thì bị can hoặc cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có quyền yêu cầu điều tra viên thực hiện việc hỏi cung phải ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh đối với việc hỏi cung đó.
Ngoài việc ghi âm lời khai của bị can, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 còn quy định việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh khi lấy lời khai của cơ quan, tổ chức, cá nhân trực tiếp tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố (khoản 1 Điều 146); khi lấy lời khai của người làm chứng (Điều 187); khi lấy lời khai của bị hại, của đương sự trong vụ án (Điều 188); khi tiến hành đối chất (Điều 189).
Điều 65 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 không quy định cụ thể về quyền yêu cầu ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh của người làm chứng. Điều 187cũng chỉ quy định “Việc lấy lời khai của người làm chứng có thể ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh”. Do vậy, việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh khi lấy lời khai của người làm chứng không phải là một nghĩa vụ bắt buộc đối với những người tiến hành tố tụng song người làm chứng vẫn có thể đưa ra yêu cầu để những người tiến hành tố tụng xem xét, giải quyết.
Thư Viện Pháp Luật