Cán bộ, viên chức lái xe ô tô công vi phạm thì bị xử lý như thế nào?
Luật sư Đinh Bá Tuấn Trưởng Văn phòng Luật sư Trần và cộng sự (Đoàn Luật sư Hà Nội) trả lời:
Cán bộ, viên chức cũng như mọi người dân khi tham gia giao thông mà vi phạm quy định của pháp luật về giao thông thì sẽ bị xử phạt hành chính như nhau, nếu vi phạm chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, khi vi phạm pháp luật về giao thông, cán bộ, viên chức có thể phải chịu thêm hậu quả về mặt công tác.
Cụ thể, theo Thông tư số 38/2010/TT-BCA ngày 12/10/2010 của Bộ Công an (có hiệu lực từ ngày 29/11/2010), thì: Người vi phạm về trật tự an toàn giao thông (ATGT) sẽ bị gửi thông báo bằng văn bản đến cơ quan, đơn vị đang công tác, công an xã, phường, thị trấn nơi cư trú, học tập để theo dõi, kiểm điểm, giáo dục, thậm chí được gửi đến các cơ quan thông tin đại chúng để tuyên truyền, giáo dục chung. Các địa phương, cơ quan, đơn vị, trường học nhận thông báo có trách nhiệm báo lại cho cơ quan đã ra thông báo vi phạm theo phiếu báo. Theo quy định chung thì cán bộ, công chức thường kỳ sẽ được đánh giá, kiểm điểm các mặt về công tác, lối sống, trong đó việc chấp hành pháp luật là một yếu tố quan trọng về mặt thi đua. Vì thế, lỗi vi phạm giao thông là bằng chứng rõ ràng để cơ quan, tổ chức thấy cán bộ, viên chức của mình không chấp hành tốt pháp luật. Từ đó, ảnh hưởng không nhỏ tới việc xét thưởng thi đua, cũng như thành tích công tác của người cán bộ, viên chức đó và hậu quả có thể xảy ra là việc cắt thưởng, cắt thi đua, chậm lên lương,… thậm chí có thể bị “trừ điểm” khi đánh giá xét tuyển, bổ nhiệm.
Mới đây, ngày 17/5/2012, Thủ tướng Chính phủ cũng có Công điện số 655/CĐ-TTg về lĩnh vực này, trong đó có đặt ra yêu cầu: Cơ quan chức năng phải thực hiện đúng việc thông báo công khai danh sách tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Cụ thể, Bộ Công an có trách nhiệm chỉ đạo Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm Thông tư số 38/2010/TT-BCA về Quy định việc thông báo người có hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông. Các cơ quan, tổ chức, địa phương khi nhận được thông báo của cơ quan Công an gửi thông báo về người có hành vi vi phạm pháp luật, trật tự an toàn giao thông, phải có biện pháp để nhắc nhở, giáo dục người vi phạm và thông báo kết quả lại cho cơ quan Công an. Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông để thông báo danh sách các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông trên báo, đài, truyền thanh địa phương.
Như vậy, nếu sử dụng xe công mà vi phạm pháp luật giao thông thì ngoài việc bị xử phạt hành chính như mọi người khác, thì cán bộ, viên chức còn bị gửi thông báo về vi phạm đó đến cơ quan nơi công tác và về địa phương nơi cư trú, và việc này sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến quá trình thi đua phấn đấu trong công tác cũng như sinh hoạt trong cộng đồng dân cư.
Ngoài ra, theo khoản 1 Điều 16 Luật Viên chức thì nghĩa vụ chung của viên chức là: “Chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam và pháp luật của Nhà nước”. Trường hợp sử dụng xe công sai quy định thì vi phạm khoản 2 Điều 19 Luật Viên chức về những điều viên chức không được làm; nếu sử dụng xe công vượt quá tiêu chuẩn hay sử dụng vào mục đích riêng không phải là vì công vụ thì hành vi của cán bộ công chức, viên chức đó có dấu hiệu về tham nhũng, có thể bị xem xét xử lý kỷ luật, nếu chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hỏi: Vậy, những trường hợp cụ thể ô tô công đỗ nơi biển cấm đỗ, đỗ sai làn đường khi dừng trước đèn đỏ… như báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã phản ảnh thì mức xử phạt được quy định như thế nào?
Luật sư Đinh Bá Tuấn: Về một số lỗi vi phạm như trong câu hỏi bạn đặt ra, xin được trả lời như sau: Theo Điều 43 Nghị định 34/2010/NĐ-CP, nhiều hành vi vi phạm giao thông tại nội đô của 2 thành phố Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh sẽ bị xử phạt cao hơn mức chung quy định cùng trong Nghị định này. Cụ thể, lái xe ô tô vượt đèn đỏ, lái xe ôtô khi có nồng độ cồn vượt mức cho phép sẽ bị xử phạt từ 1 triệu đến 1,4 triệu đồng (trong khi mức xử phạt chung là 600.000 - 800.000 đồng). Lái xe ô tô đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định cũng sẽ bị phạt 1- 1,4 triệu (mức chung là 600.000 - 800.000 đồng). Mức xử phạt từ 1,4 - 2 triệu đồng (tăng gần gấp đôi so với mức chung) trong trường hợp lái xe có các hành vi như: cho xe chạy trong hầm đường bộ không sử dụng đủ đèn chiếu sáng; lùi xe, quay đầu xe trong hầm đường bộ; đi vào đường cấm, khu vực cấm, điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 10 km/h đến 20 km/h...
Các hành vi dừng xe, đỗ xe tại các vị trí như bên trái đường một chiều, song song với một xe khác đang dừng, đỗ hoặc dừng tại điểm dừng đón, trả khách của xe buýt, đỗ xe trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước, đỗ xe nơi có biển cấm dừng, cấm đỗ, để xe ở lòng đường, hè phố thậm chí quay đầu xe trái quy định, trả hành khách tại nơi cấm dừng, cấm... cũng có thể bị xử phạt từ 600.000 đồng đến 1 triệu đồng (mức chung từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng). Ngoài việc bị phạt tiền, một số loại vi phạm như đi vào đường cấm, đỗ xe ở lòng đường, hè phố,… còn bị tước giấy phép lái xe có thời hạn tới 30 ngày, nếu vi phạm có tính chất nghiêm trọng hơn, người điều khiển phương tiện còn có thể bị tước giấy phép lái xe tới 60 ngày./.
Thư Viện Pháp Luật