Về kỷ luật trong Đảng
Trả lời:
Kỷ luật của Đảng là một yếu tố rất quan trọng, bảo đảm cho sự tồn tại, hoạt động và phát triển của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Đảng ta tuy nhiều người, nhưng khi tiến đánh thì chỉ như một người. Đó là nhờ có kỷ luật. Kỷ luật của ta là kỷ luật sắt, nghĩa là nghiêm túc và tự giác” (1).
Trong công cuộc đổi mới, Đảng ta phải tự đổi mới, tự chỉnh đốn. Ngày nay, vấn đề kỷ luật của Đảng cực kỳ quan trọng, vừa mang tính chất thời sự cấp bách, vừa có ý nghĩa cơ bản, lâu dài, bảo đảm xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức.
Kỷ luật của Đảng là kỷ luật nghiêm túc và tự giác. Tất cả các tổ chức đảng và đảng viên phải phục tùng kỷ luật của Đảng, nghiêm túc chấp hành các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng được thể hiện tập trung trong Chương VIII Điều lệ Đảng và các điều khác của Điều lệ Đảng được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng thông qua ngày 19/01/2011; tức là nghiêm túc chấp hành Cương lĩnh, Điều lệ, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Không ai được coi là ngoại lệ. Đảng gồm những người tự nguyện phấn đấu cho lý tưởng của Đảng. Tự giác đương nhiên phải đi đôi với bắt buộc. Tính nghiêm túc và tự giác của kỷ luật Đảng là sự thống nhất biện chứng giữa hai mặt tập trung và dân chủ, bắt buộc và tự giác. Nghiêm túc dựa trên cơ sở tự giác, tự giác càng cao thì kỷ luật càng nghiêm túc. Sự thống nhất và kết hợp giữa nghiêm túc và tự giác là động lực bảo đảm cho kỷ luật của Đảng thực sự là kỷ luật sắt.
Tăng cường kỷ luật là một nhân tố quan trọng trong công tác xây dựng Đảng và trong công tác lãnh đạo của Đảng, là một nhiệm vụ quan trọng của mọi đảng viên và tổ chức đảng. Chương VIII, Điều 35, Điều lệ Đảng được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng thông qua ngày 19/01/2011 nhấn mạnh: “Việc thi hành kỷ luật trong Đảng phải công minh, chính xác, kịp thời nhằm giữ vững sự thống nhất ý chí và hành động, tăng cường sức chiến đấu của Đảng và giáo dục đảng viên”. Những khuynh hướng coi thường kỷ luật Đảng, tự đặt mình trên tổ chức, ra ngoài tổ chức và những hành động vi phạm kỷ luật Đảng, dù nhỏ, đều làm suy yếu sức chiến đấu của Đảng.
Tăng cường kỷ luật không phải là thi hành kỷ luật thật nhiều, thật nặng, mà chủ yếu là thường xuyên nâng cao giác ngộ chính trị, giác ngộ giai cấp, ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm, tự giác và nghiêm túc chấp hành nhiệm vụ, chấp hành kỷ luật của đảng viên và tổ chức đảng, bảo đảm cho nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, đường lối, chính sách, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước và pháp chế xã hội chủ nghĩa được chấp hành triệt để.
(1) "Hồ Chí Minh vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội", Nxb Sự thật, Hà Nội, 1976, tr.86-87.
Thư Viện Pháp Luật