Say rượu gây thương tích mức phạt thế nào?

Xin chào ban biên tập. Bác em với anh hàng xóm cùng nhau uống rượu sau đó 2 người có to tiếng rồi xảy ra xô xát. Anh hàng xóm dùng gậy đánh vào chân bác em sau đó bác em về nhà lấy dao và tiếp tục xo xát. Cuối cùng anh đó bị vết thương ở đầu khâu 5 mũi. Sau đó, anh này đã làm đơn kiện gửi lên tòa án, như thế bác em sẽ bị xử phạt thế nào? Em chân thành cảm ơn.

Công ty Luật Vinabiz xin trả lời câu hỏi như sau:

Trong trường hợp bạn đưa ra, bác của bạn đã phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh và say rượu gây mất trật tự an toàn xã hội. Đối với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh sẽ bị xử phạt căn cứ vào điều 105 của Bộ luật hình sự. Theo đó,

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến hai năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm :

A) Đối với nhiều người;

B) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác.

Đối với lỗi say rượu, bia gây mất trật tự an toàn xã hội sẽ bị phạt tiền 500.000 - 1.000.000 đồng theo Khoản 2 Điều 5 Nghị định 167/2013 của Chính phủ quy định mức xử phạt vi phạm hành chính về an toàn an ninh xã hội.

Ngoài ra, tại Điều 14 Bộ luật Hình sự năm 1999, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 (BLHS) quy định: “Người phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự”.Khi uống rượu hoặc sử dụng chất kích thích mạnh khác, người ta có thể lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi của mình, tức là trong tình trạng đó không tồn tại điều kiện chủ quan thực tế để có lỗi. Song xuất phát từ việc cho rằng, tình trạng không nhận thức và điều khiển hành vi ở người say chỉ là tạm thời, không phải là kết quả do những nguyên nhân ổn định, tiềm tàng từ chính bên trong chủ thể đưa lại như năng lực nhận thức và năng lực điều khiển hành vi tự nó sẽ được khôi phục vì trước đó họ là người bình thường. Do đó, buộc một người phải chịu trách nhiệm hình sự về việc thực hiện tội phạm trong tình trạng say rượu hay say do dùng chất kích thích mạnh khác là sự quy kết tội phạm khách quan, hợp pháp và còn có ý nghĩa tác động giáo dục mạnh mẽ không chỉ đối với người đó, mà còn đối với người khác: không được quá lạm dụng rượu hoặc chất kích thích để dẫn đến thực hiện tội phạm.

BLHS không coi việc say do sử dụng rượu, bia quá nồng độ quy định hoặc say do dùng các chất kích thích mạnh khác là tình tiết để giảm nhẹ hoặc miễn trách nhiệm hình sự. Thậm chí đối với một số tội phạm, BLHS còn coi  đây là các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự (ví dụ: Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ  (Điều 202), Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt (Điều 208); Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thuỷ  (Điều 212)...).

Nguồn: Công ty Luật Vinabiz/ Nguoiduatin.vn

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Tội xâm phạm tính mạng sức khỏe

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào