Về việc giải quyết tố cáo
Trả lời:
Theo quy định tại Tiết 5.1.1, Điểm 5.1, Khoản 5, Điều 32 trong Hướng dẫn thực hiện các quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng trong Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng khóa XI ban hành kèm theo Quyết định số 46-QĐ/TW ngày 01-11-2011 của Ban Chấp hành Trung ương, để giải quyết tố cáo được tốt, yêu cầu đối với người tố cáo và đảng viên, tổ chức đảng bị tố cáo như sau:
- Người tố cáo phải trình bày trung thực sự việc, chịu trách nhiệm trước Đảng về nội dung tố cáo và bằng chứng của mình, ghi rõ họ tên, địa chỉ của mình để tổ chức đảng có thẩm quyền thẩm tra, xác minh và thông báo kết quả khi đã được xem xét, kết luận. Trường hợp tố cáo trực tiếp, yêu cầu người tố cáo viết lại bằng văn bản và ký tên. Nếu người tố cáo vì điều kiện nào đó mà không viết bằng văn bản được (trình độ văn hóa kém hoặc sức khỏe không cho phép) thì người trực tiếp nhận tố cáo bằng miệng phải ghi chép thành văn bản, đọc cho người tố cáo nghe và ký tên xác nhận.
Người tố cáo không được gửi hoặc phổ biến nội dung tố cáo, tên người bị tố cáo, nội dung làm việc với tổ chức, cá nhân giải quyết tố cáo, nội dung thông báo giải quyết tố cáo của tổ chức đảng có thẩm quyền cho những tổ chức hoặc cá nhân không có trách nhiệm giải quyết tố cáo.
- Đảng viên và tổ chức đảng bị tố cáo phải báo cáo, trình bày rõ, trung thực, đầy đủ, kịp thời những vấn đề bị tố cáo, tự giác nhận rõ sai lầm, khuyết điểm và có quyền sử dụng những bằng chứng để chứng minh nội dung tố cáo không đúng. Nếu thật sự có khuyết điểm, vi phạm thì phải tự giác kiểm điểm, không giấu giếm, quanh co, không được truy tìm, trấn áp, trù dập, trả thù người phê bình, tố cáo bằng bất kỳ hình thức nào./.
Thư Viện Pháp Luật