Tranh chấp đất khai hoang ?

​Bà Lê Thị H có hộ khẩu thường trú tại thị trấn A. Năm 1992, do điều kiện hoàn cảnh gia đình khó khăn đã cùng các con tới khai hoang, cải tạo một quả đồi bỏ hoang tại xã B để canh tác trồng hoa màu, gồm cả cây ngắn ngày và cây lâu năm. Năm 2002, bà Phạm Thị T, người cùng cư trú tại thị trấn A tự ý đến khu đồi này chặt phá một số diện tích trồng hoa màu của bà H và trồng thay thế vào đó một số loại cây khác. Bà T còn tuyên bố đất đó là của gia đình mình với lý do trước năm 1979 khu đất đó là của ông bà mình nên bây giờ có quyền đòi lại. Tranh chấp phát sinh, bà Phạm Thị T nộp đơn tới UBND thị trấn A yêu cầu giải quyết và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình bà. Bà Lê Thị H cũng tới UBND thị trấn nộp đơn xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đồng thời bà cũng đề nghị Uỷ ban can thiệp buộc bà T phải bồi thường thiệt hại về hoa màu bị phá huỷ và chấm dứt hành vi vi phạm. Tuy nhiên, cả bà T và bà H đều không xuất trình được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khi bà H và bà T đến UBND xã nơi mình cư trú nộp đơn, cán bộ tiếp nhận đơn đã ghi vào sổ thụ lý và chuyển đơn cho cán bộ địa chính nghiên cứu để đề xuất phương án giải quyết trình Chủ tịch xã quyết định. Trường hợp này sẽ được giải quyết như thế nào?

Công ty luật vinabiz trả lời như sau:

Trong thời kỳ trước đây, hiện tượng người dân tự ý khai hoang đất đai sản xuất nông nghiệp, không có sự quản lý của cơ quan quản lý đất đai khá phổ biến, dẫn đến việc tranh chấp đất đai giữa những người đều không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong vụ việc này, khi nghiên cứu cơ sở pháp lý để giải quyết vụ việc, điều quan trọng mà cán bộ địa chính cần quan tâm là vấn đề thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định của Luật Đất đai năm 2003.
Về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất . Với vụ việc này, do diện tích đất tranh chấp không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng thực tế thì cả bà H và bà T đều đang sử dụng nên việc giải quyết tranh chấp thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý đất đai, cụ thể là UBND cấp huyện. Tuy nhiên, UBND cấp xã là cơ quan có trách nhiệm thực hiện việc hoà giải tranh chấp trước khi UBND cấp huyện thực hiện thẩm quyền của mình.
Theo quy định của Luật Đất đai năm 2003 và các văn bản liên quan, đối với tranh chấp về quyền sử dụng đất thì UBND cấp xã nơi có đất là cơ quan đầu tiên có trách nhiệm thực hiện việc hoà giải. Trong trường hợp này, cả bà H và bà T đều có hộ khẩu thường trú ở thị trấn A, nhưng diện tích đất mà họ tranh chấp quyền sử dụng là một quả đồi thuộc xã B. Như vậy, trong trường hợp này, cơ quan có trách nhiệm tiến hành hoà giải tranh chấp giữa bà H và bà T là UBND xã B chứ không phải UBND thị trấn A. Vì vậy, khi cán bộ tiếp nhận đơn của đương sự đã chuyển cho cán bộ địa chính để nghiên cứu, đề xuất báo cáo lãnh đạo Uỷ ban thị trấn thì cán bộ địa chính cần phải có văn bản trả lời đương sự là vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND thị trấn và hướng dẫn họ nộp đơn tới UBND xã B, nơi có mảnh đất đang tranh chấp.
Thẩm quyền giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại của bà Huệ: Hành vi bà T chặt phá hoa màu của bà H trồng trước đó trên diện tích đất tranh chấp gây thiệt hại về tài sản cho bà Huệ. Do đó, để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, bà Huệ cũng có thể đề nghị UBND xã khi tiến hành hoà giải tranh chấp đất đai thì tổ chức thương lượng luôn về trách nhiệm bồi thường của bà Thao. Trong trường hợp việc thoả thuận về mức bồi thường thiệt hại không thành thì bà H có quyền khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại tại TAND cấp huyện để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

Nguồn: Công ty Luật Vinabiz/ Nguoiduatin.vn

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào