Bị công ty sa thải vì mang thai phải làm thế nào?
Một trong những trường hợp người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) nêu tại khoản 3 Điều 39 Bộ Luật Lao độngnăm 2012 (BLLĐ) là lao động nữ quy định tại khoản 3 Điều 155 của Bộ luật này.
Theo khoản 3 Điều 155 BLLĐ, người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt HĐLĐ đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động.
Trường hợp bạn đang mang thai mà doanh nghiệp đang tồn tại, hoạt động ra thông báo đơn phương chấm dứt HĐLĐ với bạn vì lý do mang thai là trái pháp luật.
Bạn cần yêu cầu tổ chức Công đoàn tại doanh nghiệp bảo vệ, yêu cầu giám đốc công ty hủy bỏ việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ; hoặc có thể khởi kiện ngay ra Tòa án nhân dân cấp huyện nơi doanh nghiệp có trụ sở chính để yêu cầu Tòa án giải quyết. Thời hiệu yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 1 năm, kể từ ngày bạn bị doanh nghiệp đơn phương chấm dứt HĐLĐ.
Căn cứ khoản 1 Điều 42 BLLĐ, Tòa án sẽ tuyên buộc doanh nghiệp phải nhận bạn trở lại làm việc theo HĐLĐ đã giao kết và phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày bạn không được làm việc cộng với ít nhất 2 tháng tiền lương theo HĐLĐ.
Nguồn: Công ty Luật Cương Lĩnh/Nguoiduatin
Thư Viện Pháp Luật