Đã bán nhà đất nhưng không chịu sang tên bị coi là lừa đảo?
Trước hết, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về chuyên mục tư vấn, trường hợp của bạn chúng tôi xin trả lời như sau:
Theo Điều 106 Luật Đất đai, điều kiện để chuyển nhượng bao gồm: có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; đất không có tranh chấp; quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án; trong thời hạn sử dụng đất.
Đồng thời theo quy định tại Điều 689 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được thực hiện thông qua hợp đồng, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được lập thành văn bản, có công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật.
Như vậy, việc anh chị chỉ lập hợp đồng viết tay khi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất là không phù hợp với quy định của pháp luật về hình thức hợp đồng. Do đó bạn cũng không thể thực hiện thủ tục sang tên chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Bạn cần liên hệ với bên chuyển nhượng và cơ quan công chứng, (lưu ý hiện nay ủy ban nhân dân không có chức năng công chứng bạn cần yêu cầu bên bán ra các văn phòng công chứng) để yêu cầu thực hiện hợp đồng chuyển nhượng có xác nhận của cơ quan công chứng theo quy định của pháp luật.
Trường hợp bên bán cố tĩnh không kí hợp đồng và tiến hành thủ tục công chứng hợp đồng thì theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Dân sự 2005: "Trong trường hợp pháp luật quy định hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch mà các bên không tuân theo thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, Toà án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác quyết định buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch trong một thời hạn; quá thời hạn đó mà không thực hiện thì giao dịch vô hiệu."
Nếu bên chuyển nhượng không đồng ý ký kết hợp đồng thì anh chị có quyền khởi kiện yêu cầu tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp, Toà án sẽ ra quyết định buộc hai bên cùng thực hiện lại các thủ tục theo đúng quy định về hình thức của giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất; nếu một trong hai bên cố tình không làm các thủ tục đó thì Tòa án tuyên bố giao dịch này vô hiệu và bên cố tình không làm lại các thủ tục đó là bên có lỗi.
Thêm vào đó, cần hiểu rằng hành vi không hợp tác cùng bên mua làm thủ tục sang tên sổ đỏ và hai bên dẫn đến tranh chấp chỉ được coi là quan hệ dân sự mà không được xem là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản vì thực tế họ đã kí nhận tiền đồng thời cũng đã giao giấy tờ nhà đất cho bạn.
Như vậy, để bảo vệ quyền lợi cho mình bạn cần yêu cầu bên bán hợp tác để sang tên, nếu cần bạn có thể khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu bên bán thực thi nghĩa vụ sang tên giấy tờ khi đã chuyển nhượng.
Nguồn: Công ty Luật Cương Lĩnh/Nguoiduatin
Thư Viện Pháp Luật