Chế độ ưu đãi đối với người tham gia nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc
Vấn đề bạn hỏi chúng tôi xin trả lời như sau:
- Thực hiện Quyết định số 62/2011/QĐ – TTg ngày 09/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Cămpuchia giúp bạn Lào sau ngày 30/4/1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc; Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC ngày 05/01/2012 của Liên Bộ: Bộ Quốc phòng; Bộ Lao động TB&XH; Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 62/2011/QĐ - TTg.
* Phòng Lao động - TB & XH tiếp nhận hồ sơ và giải quyết chế độ đối với những đối tượng quy định tại khoản 1, Điều 2 Quyết định số 62 gồm:
+ Đối tượng áp dụng: Công nhân viên chức nhà nước trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế đã thôi việc trước ngày 01 tháng 01 năm 1995, hiện không thuộc diện hưởng chế độ hưu trí, chế độ mất sức lao động hàng tháng;
Cán bộ xã, phường, thị trấn trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc đã thôi việc, hiện không thuộc diện hưởng chế độ hưu trí, chế độ mất sức lao động hàng tháng; cán bộ xã đã nghỉ hưu, hiện đang công tác nhưng không được tính thời gian phục vụ trong quân đội, công an, cơ yếu để tính hưởng chế độ BHXH khi thôi công tác ở xã;
Thanh niên xung phong tập trung sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế đã về gia đình, hiện không thuộc diện hưởng chế độ hưu trí, chế độ mất sức lao động hàng tháng.
- Các đối tượng còn lại được quy định tại khoản 1 Điều 2 Quyết định số 62 thuộc thẩm quyền của cơ quan Quân sự và Công an giải quyết.
* Căn cứ vào Điều 3 Quyết định số 62/2011/QĐ – TTg quy định về địa bàn, thời gian xảy ra chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế:
1. Trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc là trực tiếp làm nhiệm vụ chiến đấu, trực tiếp phục vụ chiến đấu ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, làm nhiệm vụ truy quét Ful rô ở Tây Nguyên trong địa bàn và thời gian quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này.
2. Địa bàn xảy ra chiến sự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc là các huyện thuộc biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, gồm cả các huyện đảo biên giới và khu vực Hoàng Sa, Trường Sa, DK1; các tỉnh Tây Nguyên và các địa bàn phụ cận có xảy ra chiến sự.
3. Thời gian xảy ra chiến sự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế được xác định như sau:
a) Ở biên giới Tây Nam từ tháng 5 năm 1975 đến ngày 07 tháng 01 năm 1979;
b) Ở biên giới phía Bắc từ tháng 02 năm 1979 đến ngày 31 tháng 12 năm 1988;
c) Truy quét Ful rô từ tháng 5 năm 1975 đến tháng 12 năm 1992;
d) Làm nhiệm vụ giúp bạn Lào từ tháng 5 năm 1975 đến ngày 31 tháng 12 năm 1988;
đ) Làm nhiệm vụ quốc tế ở Căm-pu-chi-a từ tháng 01 năm 1979 đến ngày 31 tháng 8 năm 1989.
Thời gian làm nhiệm vụ quốc tế đối với một số đơn vị làm nhiệm vụ đặc biệt của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định các địa bàn phụ cận có xảy ra chiến sự.
- Biên giới phía Bắc trong chiến tranh Bảo vệ Tổ quốc tiếp giáp với Trung Quốc gồm các tỉnh: Quảng Ninh (4 huyện); Lạng Sơn (5 huyện); Cao Bằng (8 huyện); Hà Giang (7 huyện); Lào Cai (6 huyện); Lai Châu (3 huyện); Điện Biên (1 huyện).
Căn cứ vào Quyết định số 62/2011/QĐ – TTg đề nghị ông đối chiếu với các quy định nêu trên. Nếu ông thuộc diện hưởng trợ cấp theo quy định đề nghị ông về nơi đăng ký hộ khẩu thường trú gặp cán bộ làm công tác Lao động thương binh xã hội thị trấn hoặc phòng Lao động - Thương binh - Xã hội hướng dẫn thủ tục hồ sơ.
Phòng Lao động – TB & XH huyện trân trọng báo cáo./.
Thư Viện Pháp Luật