Biện pháp quản lý công ty bán hàng đa cấp

Tại nhiều địa phương trong đó có xã Thanh Hà huyện Thanh Liêm đã xuất hiện hoạt động của những công ty bán hàng đa cấp. Bên cạnh đó, do các công ty này có phương thức quảng bá, tiếp thị tốt nhất là đưa ra những con số lợi nhuận cao ngất ngưởng cho các hội viên tham gia nên nhiều người dân ở địa phương mà chủ yếu là đối tượng người trung tuổi đã chủ động đóng góp hàng chục triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu đồng. Không những thế khi tham gia các công ty này, những thành viên mới còn tích cực vận động người thân, bạn bè để tham gia. Tuy nhiên, thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã có nhiều bài viết, phóng sự với nội dung cảnh báo người dân về tình trạng lừa đảo của các công ty bán hàng đa cấp. Vậy xin hỏi: các cơ quan chức năng có biện pháp gì để quản lý những công ty bán hàng đa cấp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh để bảo vệ tài sản cho nhân dân.

Vấn đề bạn hỏi chúng tôi xin trả lời như sau:

Theo quy định tại Nghị định 42/2014/NĐ-CP và Thông tư số 24/TT-BCT của Bộ Công Thương về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp thì hoạt động bán hàng đa cấp phải được đăng ký theo quy định cụ thể Cục quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp trong phạm vi cả nước. Và trước khi tổ chức hoạt động bán hàng đa cấp tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải gửi hồ sơ thông báo đến Sở Công Thương tại địa phương đó; doanh nghiệp chỉ được phép tổ chức hoạt động bán hàng đa cấp tại  các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sau khi có xác nhận bằng văn bản của Sở Công Thương tại địa phương đó về việc tiếp nhận hồ sơ thông báo.

Tại tỉnh Hà Nam, hiện Sở Công Thương có văn bản xác nhận tiếp nhận hồ sơ thông báo hoạt động bán hàng đa cấp cho 04 doanh nghiệp (Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy, Công ty TNHH Liên minh tiêu dùng Việt Nam, Công ty TNHH nhượng quyền thương mại Thăng Long,Công ty Cổ phần đầu tư sản xuất và thương mại MLM Việt Nam)trước khi các doanh nghiệp đó tổ chức hoạt động bán hàng đa cấp tại tỉnh Hà Nam. Tất cả các doanh nghiệp trên đều có địa điểm kinh doanh cố định (đăng ký hộ kinh doanh theo quy định) tại thành phố Phủ Lý, thị trấn Hòa Mạc, xã Đức Lý - huyện Lý Nhân.

Sau 01 năm triển khai thực hiện Nghị định 42/2014/NĐ-CP và Thông tư 24/2014/TT-BCT về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp; Sở Công Thương gặp một số khó khăn sau: phần lớn các doanh nghiệp có tổ chức hoạt động bán hàng đa cấp tại địa bàn tỉnh đều có trụ sở chính tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai ...Còn tại tỉnh Hà Nam, hoạt động bán hàng đa cấp được thực hiện thông qua mạng lưới những người tham gia cá nhân nhưng không có địa điểm kinh doanh cố định tại địa phương gây khó khăn cho công tác giám sát, kiểm tra, đồng thời dễ phát sinh những diễn biến phức tạp, vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, nhận thức của người tham gia bán hàng đa cấp, nhân dân địa phương còn hạn chế chưa phân biệt được hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp bất hợp pháp và kinh doanh đa cấp bất chính

Biện pháp quản lý

1. Tiếp tục phối hợp với cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm giúp doanh nghiệp bán hàng đa cấp, cộng đồng người tham gia bán hàng đa cấp tuân thủ quy định tại Nghị định 42/2014/NĐ-CP và giúp người dân địa phương phân biệt hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp bất hợp pháp và kinh doanh đa cấp bất chính. Ngoài ra, người dân có thể truy cập vào website.congthuonghanam.gov.vn để hiểu và có nhận thức đúng về bán hàng đa cấp; đồng thời biết cách phân biệt giữa bán hàng đa cấp hợp pháp và bán hàng đa cấp bất chính trước khi tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp

Bên cạnh đó, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn hỗ trợ nâng cao nhận thức về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để người dân biết, không mua các sản phẩm không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ và cảnh giác với các hoạt động giới thiệu, quảng cáo, bán hàng, tư vấn khám sức khỏe miễn phí tại địa phương … đồng thời hướng dẫn người dân nên mua hàng hóa có địa điểm kinh doanh cố định, địa chỉ rõ ràng

2. Thường xuyên chỉ đạo chi cục Quản lý thị trường tỉnh kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động bán hàng đa cấp trên từng địa bàn và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định của pháp luật. Đặc biệt đối với các doanh nghiệp bán hàng đa cấp chưa được Sở Công Thương có văn bản xác nhận hồ sơ Thông báo hoạt động bán hàng đa cấp mà vẫn cố tình tổ chức bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh

3. Tăng cường sự kết nối, trao đổi thông tin với Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) để nắm bắt kịp thời hồ sơ doanh nghiệp bán hàng đa cấp

4. Yêu cầu các doanh nghiệp bán hàng đa cấp nộp báo cáo kết quả hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn định kỳ trước ngày 15 tháng 7 và ngày 15 tháng 01 hàng năm về Sở Công Thương theo đúng quy định

5. Tăng cường phối hợp với các Sở, ban ngành liên quan như công an tỉnh, phòng công thương các huyện thành phố ... để kịp thời nắm bắt thông tin kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hơn công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn

6. Sở Công Thương cung cấp số điện thoại của lãnh đạo để các cử tri biết, cần thiết liên hệ để phối hợp xử lý kịp thời.

Để công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh được hiệu quả trong bối cảnh hiện nay thì rất cần có quan tâm phối hợp của các cấp các ngành, địa phương trong việc kiểm tra, giám sát, quản lý nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp nhằm giúp bảo vệ người tham gia bán hàng đa cấp trước các hành vi lừa đảo, trục lợi; đồng thời tạo điều kiện để các doanh nghiệp hoạt động và tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào