Giải quyết việc làm và chế độ, chính sách cho bộ đội xuất ngũ
Công ty luật vinabiz trả lời như sau:
Trong trường hợp này, cán bộ UBND phường phải xem xét việc anh T có thuộc diện được tiếp tục trở lại làm việc tại Công ty Dịch vụ du lịch - thương mại hay không; kiểm tra sự tồn tại của Công ty, nếu Công ty đã giải thể thì hướng dẫn anh T cần làm các thủ tục cần thiết để đảm bảo quyền lợi việc làm cho anh.
UBND phường cần vận dụng các văn bản sau để giải quyết và hướng dẫn anh T: Luật Nghĩa vụ quân sự năm 1981 (đã được sửa đổi, bổ sung trong các năm 1990, 1994, 2005, sau đây gọi là Luật Nghĩa vụ quân sự); Bộ luật Lao động năm 1994 (sửa đổi, bổ sung vào các năm 2002, 2006); Thông tư số 138/2004/TT- BQP ngày 05/10/2004 của Bộ Quốc phòng hướng dẫn chế độ trợ cấp tạo việc làm đối với hạ sỹ quan và binh sỹ khi xuất ngũ; Thông tư số 05/2005/TT-BQP ngày 05/01/2005 của Bộ Quốc phòng về việc hướng dẫn thực hiện chế độ tiền lương đối với quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng hưởng lương hoặc sinh hoạt phí từ nguồn kinh phí thuộc ngân sách nhà nước.
Về việc hướng dẫn các thủ tục cho anh T
Theo khoản 2 Điều 56 Luật Nghĩa vụ quân sự, hạ sỹ quan và binh sỹ trước lúc nhập ngũ làm việc ở cơ quan, cơ sở kinh tế nào thì khi xuất ngũ, cơ quan, đơn vị kinh tế đó có trách nhiệm tiếp nhận lại. Nếu cơ quan, cơ sở cũ đã giải thể, bị đóng cửa hoặc phá sản thì cơ quan cấp trên trực tiếp có trách nhiệm giải quyết việc làm cho họ. Trường hợp cơ quan cấp trên cũng giải thể, hoặc không có cơ quan cấp trên trực tiếp thì cơ quan lao động - thương binh và xã hội cấp tỉnh có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các cơ quan nhà nước khác, các tổ chức kinh tế, các tổ chức xã hội giải quyết việc làm, thực hiện chế độ, chính sách cho hạ sỹ quan, binh sỹ theo quy định của pháp luật.
Theo khoản 3 Mục III Thông tư số 138/2004/TT-BQP, hạ sỹ quan, binh sỹ quân đội khi xuất ngũ có nguyện vọng học nghề hoặc tìm việc làm thì đơn vị quản lý hạ sỹ quan, binh sỹ trước khi xuất ngũ hoặc cơ quan quân sự quận, huyện (nơi cư trú) có trách nhiệm giới thiệu đến các trường dạy nghề, trung tâm dịch vụ việc làm của quân đội hoặc của các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương để được học nghề hoặc giới thiệu việc làm. Các trung tâm giới thiệu việc làm của Nhà nước, quân đội, địa phương có trách nhiệm ưu tiên tiếp nhận hạ sỹ quan, binh sỹ quân đội xuất ngũ vào học nghề hoặc giới thiệu việc làm.
Như vậy, theo các quy định nói trên, Công ty Dịch vụ du lịch - thương mại tỉnh Lạng Sơn có trách nhiệm tiếp nhận anh T trở lại làm việc tại Công ty sau khi anh xuất ngũ trở về địa phương. Tuy nhiên, do Công ty đã giải thể, nên cần hướng dẫn anh T làm đơn đề nghị (kèm theo hồ sơ) gửi Sở Thương mại - Du lịch tỉnh Lạng Sơn - là cơ quan cấp trên trực tiếp của Công ty Dịch vụ du lịch - thương mại xem xét bố trí công việc hoặc giúp đỡ tìm kiếm việc làm cho anh T tại một cơ quan hay doanh nghiệp thuộc Sở Thương mại - Du lịch tỉnh Lạng Sơn. Trong trường hợp không bố trí được việc làm cho anh T, thì Sở Thương mại - Du lịch cần tạo điều kiện để anh T được đào tạo nghề và tìm việc làm mới phù hợp với khả năng của anh T.
Ngoài ra, trong khi chờ Sở Thương mại - Du lịch tỉnh Lạng Sơn sắp xếp, bố trí việc làm hoặc giới thiệu, đào tạo nghề cho anh T, UBND phường có thể hướng dẫn anh T làm đơn và hồ sơ gửi cơ quan quân sự huyện xem xét, giới thiệu anh với cơ sở đào tạo nghề và hỗ trợ việc làm trong phạm vi địa phương.
Nguồn: Công ty Luật Vinabiz/ Nguoiduatin.vn
Thư Viện Pháp Luật