Chỉ đạo không chuyển người bệnh đến các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân vì mục đích vụ lợi?
Chỉ đạo không chuyển người bệnh đến các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân vì mục đích vụ lợi?
Ngày 26/4/2023 Bộ Y tế đã ban hành Công văn 2462/BYT-KCB năm 2023 về chấn chỉnh hoạt động chuyển người bệnh giữa các cơ sở y tế. Trong đó, Bộ Y tế có đề cập vấn đề:
Lãnh đạo các bệnh viện quán triệt người hành nghề không chuyển người bệnh đến các cơ sở khám chữa bệnh không phù hợp hoặc các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân vì mục đích vụ lợi, vi phạm quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009
Ngoài ra, Bộ Y tế còn chỉ đạo thực hiện các vấn đề sau đây:
- Thực hiện chuyển tuyến người bệnh theo Thông tư 14/2014/TT-BYT và Thông tư 40/2015/TT-BYT.
- Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện trực thuộc khi chuyển tuyến người bệnh đến khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Mắt Trung ương cần liên hệ, hội chẩn từ xa qua hệ thống công nghệ thông tin để Bệnh viện Mắt trung ương bố trí, sắp xếp điều trị cho người bệnh.
Trường hợp Bệnh viện Mắt trung ương không có vật tư, thuốc điều trị, trang thiết bị, bệnh viện chuyển tuyến người bệnh đến các bệnh viện khác có năng lực thực hiện được các kỹ thuật.
- Trường hợp bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, trường đại học, bệnh viện tuyến cuối có các kỹ thuật đang tạm dừng hoặc không thực hiện được do thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị... Bộ Y tế yêu cầu bệnh viện công khai trên trang thông tin điện tử của bệnh viện để người dân được biết và báo cáo cho cơ quan quản lý trực tiếp.
Chỉ đạo không chuyển người bệnh đến các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân vì mục đích vụ lợi? (Hình từ Internet)
Phải đáp ứng điều kiện nào để chuyển người bệnh từ tuyến dưới lên tuyến trên?
Tại khoản 1 Điều 5 Thông tư 14/2014/TT-BYT có quy định về điều kiện chuyển tuyến như sau:
Điều kiện chuyển tuyến
1. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chuyển người bệnh từ tuyến dưới lên tuyến trên khi đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Bệnh không phù hợp với năng lực chẩn đoán và điều trị, danh mục kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về y tế phê duyệt hoặc bệnh phù hợp với năng lực chẩn đoán và điều trị, danh mục kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về y tế phê duyệt nhưng do điều kiện khách quan, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó không đủ điều kiện để chẩn đoán và điều trị;
b) Căn cứ vào danh mục kỹ thuật đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về y tế phê duyệt, nếu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trên liền kề không có dịch vụ kỹ thuật phù hợp thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến dưới được chuyển lên tuyến cao hơn;
c) Trước khi chuyển tuyến, người bệnh phải được hội chẩn và có chỉ định chuyển tuyến (trừ phòng khám và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến 4).
Theo đó, để chuyển người bệnh từ tuyến dưới lên tuyến trên thì cần đáp ứng các điều kiện sau:
- Bệnh không phù hợp với năng lực chẩn đoán và điều trị, danh mục kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc bệnh phù hợp với năng lực chẩn đoán và điều trị, danh mục kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhưng do điều kiện khách quan, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó không đủ điều kiện để chẩn đoán và điều trị;
- Nếu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trên liền kề không có dịch vụ kỹ thuật phù hợp thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến dưới được chuyển lên tuyến cao hơn;
- Trước khi chuyển tuyến, người bệnh phải được hội chẩn và có chỉ định chuyển tuyến (trừ phòng khám và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến 4).
Ai có thẩm quyền ký giấy chuyển người bệnh từ tuyến dưới lên tuyến trên?
Tại Điều 6 Thông tư 14/2014/TT-BYT có quy định về thẩm quyền ký giấy chuyển tuyến như sau:
Thẩm quyền ký giấy chuyển tuyến
1. Đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước: Người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người được người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ủy quyền ký giấy chuyển tuyến.
2. Đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân: Người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người được người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ủy quyền ký giấy chuyển tuyến.
3. Trong phiên trực, người trực lãnh đạo ký giấy chuyển tuyến đối với trường hợp cấp cứu.
Theo đó, thẩm quyền ký giấy chuyển người bệnh từ tuyến dưới lên tuyến trên thuộc về:
- Người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người được người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ủy quyền ký giấy chuyển tuyến;
- Người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người được người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ủy quyền ký giấy chuyển tuyến;
- Người trực lãnh đạo ký giấy chuyển tuyến đối với trường hợp cấp cứu.
Tùy từng trường hợp cụ thể mà thẩm quyền ký giấy chuyển tuyến sẽ khác nhau.
Trân trọng!
Huỳnh Minh Hân