Người bị buộc tội kháng cáo bản án hình sự sơ thẩm thì có được giảm nhẹ hình phạt hay không?
Người bị buộc tội kháng cáo bản án hình sự sơ thẩm thì có được giảm nhẹ hình phạt hay không?
Tại Điều 50 Bộ luật Hình sự 2015 có quy định về căn cứ quyết định hình phạt như sau:
Căn cứ quyết định hình phạt
1. Khi quyết định hình phạt, Tòa án căn cứ vào quy định của Bộ luật này, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự.
2. Khi quyết định áp dụng hình phạt tiền, ngoài căn cứ quy định tại khoản 1 Điều này, Tòa án căn cứ vào tình hình tài sản, khả năng thi hành của người phạm tội.
Tại Điều 355 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 có quy định về thẩm quyền của Hội đồng xét xử phúc thẩm đối với bản án sơ thẩm như sau:
Thẩm quyền của Hội đồng xét xử phúc thẩm đối với bản án sơ thẩm
1. Hội đồng xét xử phúc thẩm có quyền:
a) Không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị và giữ nguyên bản án sơ thẩm;
b) Sửa bản án sơ thẩm;
c) Hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án để điều tra lại hoặc xét xử lại;
d) Hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án;
đ) Đình chỉ việc xét xử phúc thẩm.
2. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Như vậy, người kháng cáo bản án hình sự sơ thẩm nếu như không có thêm các tình tiết giảm nhẹ hay những tình tiết, chứng cứ làm thay đổi tình tiết vụ án có lợi cho người bị buộc tội thì bản án sơ thẩm có thể được giữ nguyên và người bị buộc tội sẽ không được giảm nhẹ hình phạt.
Người bị buộc tội kháng cáo bản án hình sự sơ thẩm thì có được giảm nhẹ hình phạt hay không? (Hình từ Internet)
Những người nào được quyền kháng cáo bản án hình sự sơ thẩm?
Theo Điều 331 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 những người nào được quyền kháng cáo bản án hình sự sơ thẩm bao gồm những người sau đây:
- Bị cáo, bị hại, người đại diện của họ có quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm.
- Người bào chữa có quyền kháng cáo để bảo vệ lợi ích của người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà mình bào chữa.
- Nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người đại diện của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến việc bồi thường thiệt hại.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người đại diện của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ.
- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự là người dưới 18 tuổi hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người mà mình bảo vệ.
- Người được Tòa án tuyên không có tội có quyền kháng cáo về các căn cứ mà bản án sơ thẩm đã xác định là họ không có tội.
Làm đơn kháng cáo bản án hình sự sơ thẩm phải có những nội dung gì?
Tại Điều 332 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 có quy định về thủ tục kháng cáo như sau:
Thủ tục kháng cáo
1. Người kháng cáo phải gửi đơn kháng cáo đến Tòa án đã xét xử sơ thẩm hoặc Tòa án cấp phúc thẩm.
Trường hợp bị cáo đang bị tạm giam, Giám thị Trại tạm giam, Trưởng Nhà tạm giữ phải bảo đảm cho bị cáo thực hiện quyền kháng cáo, nhận đơn kháng cáo và chuyển cho Tòa án cấp sơ thẩm đã ra bản án, quyết định bị kháng cáo.
Người kháng cáo có thể trình bày trực tiếp với Tòa án đã xét xử sơ thẩm hoặc Tòa án cấp phúc thẩm về việc kháng cáo. Tòa án phải lập biên bản về việc kháng cáo theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật này.
Tòa án cấp phúc thẩm đã lập biên bản về việc kháng cáo hoặc nhận được đơn kháng cáo thì phải gửi biên bản hoặc đơn kháng cáo cho Tòa án cấp sơ thẩm để thực hiện theo quy định chung.
2. Đơn kháng cáo có các nội dung chính:
a) Ngày, tháng, năm làm đơn kháng cáo;
b) Họ tên, địa chỉ của người kháng cáo;
c) Lý do và yêu cầu của người kháng cáo;
d) Chữ ký hoặc điểm chỉ của người kháng cáo.
3. Kèm theo đơn kháng cáo hoặc cùng với việc trình bày trực tiếp là chứng cứ, tài liệu, đồ vật bổ sung (nếu có) để chứng minh tính có căn cứ của kháng cáo.
Như vậy, khi viết đơn kháng cáo bản án hình sự sơ thẩm cần phải có những nội dung cụ thể như sau:
- Ngày, tháng, năm làm đơn kháng cáo;
- Họ tên, địa chỉ của người kháng cáo;
- Lý do và yêu cầu của người kháng cáo;
- Chữ ký hoặc điểm chỉ của người kháng cáo.
Trân trọng!
Mạc Duy Văn