Cá nhân đem rượu bia để tụ tập ăn uống trong công viên bị phạt hành chính bao nhiêu?

Có được đem rượu bia vào công viên để tụ tập ăn uống không? Trường hợp uống rượu bia gây mất trật tự trong công viên bị phạt bao nhiêu tiền?- Câu hỏi của anh Khang (Kiên Giang).

Có được đem rượu bia vào công viên để tụ tập ăn uống không?

Tại Điều 3 Nghị định 24/2020/NĐ-CP có quy định về việc đem rượu bia vào công viên như sau:

Địa điểm công cộng không được uống rượu, bia
Ngoài các địa điểm quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và khoản 6 Điều 10 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, các địa điểm công cộng không được uống rượu, bia bao gồm:
1. Công viên, trừ trường hợp nhà hàng trong phạm vi khuôn viên của công viên đã được cấp phép kinh doanh rượu, bia trước ngày Nghị định này có hiệu lực.
2. Nhà chờ xe buýt.
3. Rạp chiếu phim, nhà hát, cơ sở văn hóa, thể thao trong thời gian tổ chức các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ và công năng sử dụng chính của các địa điểm này, trừ trường hợp tổ chức các lễ hội ẩm thực, văn hóa có sử dụng rượu, bia.

Như vậy, công viên là một trong những địa điểm công cộng không được uống rượu, bia. Cho nên, không được phép đem rượu bia vào công viên để tụ tập ăn uống.

Cá nhân đem rượu bia để tụ tập ăn uống trong công viên bị phạt hành chính bao nhiêu?

Cá nhân đem rượu bia để tụ tập ăn uống trong công viên bị phạt hành chính bao nhiêu? (Hình từ Internet)

Cá nhân đem rượu bia để tụ tập ăn uống trong công viên bị phạt hành chính bao nhiêu?

Tại điểm a khoản 2 Điều 30 Nghị định 117/2020/NĐ-CP có quy định về hành vi đem rượu bia vào công viên để tụ tập ăn uống như sau:

Vi phạm các quy định về uống rượu, bia và địa điểm không uống rượu, bia
1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với người từ đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia.
2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Uống rượu, bia tại địa điểm không uống rượu, bia theo quy định của pháp luật;
b) Xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống rượu bia.
3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập;
b) Ép buộc người khác uống rượu bia.

Tại khoản 5 Điều 4 Nghị định 117/2020/NĐ-CP có quy đinh về mức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức như sau:

Quy định về mức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức
...
5. Mức phạt tiền được quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt tiền đối với cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Như vậy, người có hành vi uống rượu bia trong công viên bị phạt hành chính từ 500.000 đến 1.000.000 đồng.

Mức phạt tiền trên được áp dụng đối với hành vi vi phạm của cá nhân. Đối với tổ chức có hành vi vi phạm sẽ có mức phạt hành chính gấp 02 lần mức phạt cá nhân.

Trường hợp uống rượu bia gây mất trật tự trong công viên bị phạt bao nhiêu tiền?

Tại điểm a khoản 2 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP có quy định về vi phạm quy định về trật tự công cộng như sau:

Vi phạm quy định về trật tự công cộng
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Gây mất trật tự công cộng ở nơi biểu diễn nghệ thuật, nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, thương mại, trụ sở cơ quan, tổ chức, khu dân cư hoặc ở những nơi công cộng khác, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 2, điểm b khoản 5 Điều này;
b) Thả rông động vật nuôi trong đô thị hoặc nơi công cộng;
c) Để vật nuôi, cây trồng hoặc các vật khác xâm lấn lòng đường, vỉa hè, vườn hoa, sân chơi, đô thị, nơi sinh hoạt chung trong khu dân cư, khu đô thị;
d) Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
đ) Vứt rác hoặc bỏ bất cứ vật gì khác lên tường rào và khu vực liền kề với mục tiêu bảo vệ;
e) Chăn, thả gia súc, gia cầm trong chung cư.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Sử dụng rượu, bia, các chất kích thích gây mất trật tự công cộng;
b) Tổ chức, tham gia tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự công cộng;
c) Để động vật nuôi gây thương tích hoặc gây thiệt hại tài sản cho tổ chức, cá nhân khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
d) Thả diều, bóng bay, các loại đồ chơi có thể bay ở khu vực cấm, khu vực mục tiêu được bảo vệ;
đ) Sử dụng tàu bay không người lái hoặc phương tiện bay siêu nhẹ chưa được đăng ký cấp phép bay hoặc tổ chức các hoạt động bay khi chưa có giấy phép hoặc đã đăng ký nhưng điều khiển bay không đúng thời gian, địa điểm, khu vực, tọa độ, giới hạn cho phép;
...
13. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, d, đ và g khoản 2; điểm đ khoản 3; các điểm b, e và i khoản 4; các điểm a, b và c khoản 5; các khoản 6 và 10 Điều này;"

Tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP có quy định về mức phạt tiền tối đa, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính như sau:

Quy định về mức phạt tiền tối đa, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính
...
2. Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Như vậy, trường hợp cá nhân uống rượu bia gây mất trật tự trong công viên bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Đối với tổ chức nếu có cùng hành vi thì sẽ bị phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Đồng thời, còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi uống rượu bia gây mất trật tự trong công viên.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Xử phạt vi phạm hành chính

Lương Thị Tâm Như

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào