Công ty có được tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động khi người lao động bị khởi tố không?

Nếu bị khởi tố bị can thì có thuộc trường hợp tạm hoãn hợp đồng lao động không? Nếu bị tạm hoãn thực hiện hợp đồng thì sau đó có được làm việc trở lại không? Anh Dũng - Quảng Nam

Có phải bị khởi tố thì đều bị bắt tạm giam không?

Tại khoản 1 Điều 179 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 có quy định về khởi tố bị can như sau:

Khởi tố bị can
1. Khi có đủ căn cứ để xác định một người hoặc pháp nhân đã thực hiện hành vi mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm thì Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can.
...

Tại Điều 119 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 có quy định về tạm giam như sau:

Tạm giam
1. Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng.
2. Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên 02 năm khi có căn cứ xác định người đó thuộc một trong các trường hợp:
a) Đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm;
b) Không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không xác định được lý lịch của bị can;
c) Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã hoặc có dấu hiệu bỏ trốn;
d) Tiếp tục phạm tội hoặc có dấu hiệu tiếp tục phạm tội;
đ) Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này.
3. Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù đến 02 năm nếu họ tiếp tục phạm tội hoặc bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã.
4. Đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, trừ các trường hợp:
a) Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã;
b) Tiếp tục phạm tội;
c) Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm hoặc người thân thích của những người này;
d) Bị can, bị cáo về tội xâm phạm an ninh quốc gia và có đủ căn cứ xác định nếu không tạm giam đối với họ thì sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia.
...

Như vậy, không phải mọi bị can đều bị tạm giam. Việc quyết định có áp dụng hay không áp dụng biện pháp tạm giam còn phụ thuộc vào các yếu tố như:

+ Loại tội phạm

+ Mức hình phạt

+ Tính chất, mức độ của hành vi nguy hiểm cho xã hội, mục đích áp dụng và tính nhân đạo đối với đối tượng bị áp dụng.

Công ty có được tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động khi người lao động bị khởi tố không?

Công ty có được tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động khi người lao động bị khởi tố không? (Hình từ Internet)

Công ty có được tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động khi người lao động bị khởi tố không?

Căn cứ tại Điều 30 Bộ luật Lao động 2019 có quy định về tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động như sau:

Tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động
1. Các trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động bao gồm:
a) Người lao động thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ;
b) Người lao động bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự;
c) Người lao động phải chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc cơ sở giáo dục bắt buộc;
d) Lao động nữ mang thai theo quy định tại Điều 138 của Bộ luật này;
đ) Người lao động được bổ nhiệm làm người quản lý doanh nghiệp của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;
e) Người lao động được ủy quyền để thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp;
g) Người lao động được ủy quyền để thực hiện quyền, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với phần vốn của doanh nghiệp đầu tư tại doanh nghiệp khác;
h) Trường hợp khác do hai bên thỏa thuận.
...

Như vậy, người lao động bị khởi tố nhưng không bị tạm giữ, tạm giam và không thuộc một trong những trường hợp tạm hoãn hợp đồng thì vẫn tiếp tục thực hiện hợp đồng như đã thỏa thuận.

Người sử dụng lao động có được từ chối nhận lại người lao động sau khi hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng không?

Căn cứ tại Điều 31 Bộ luật Lao động 2019 có quy định về nhận lại người lao động hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động như sau:

Nhận lại người lao động hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, người lao động phải có mặt tại nơi làm việc và người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm công việc theo hợp đồng lao động đã giao kết nếu hợp đồng lao động còn thời hạn, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.

Như vậy, người sử dụng lao động không được từ chối nhận lại người lao động sau khi hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, trừ trường hợp người lao động trong trở lại nhận việc trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động

Võ Ngọc Trúc Quỳnh

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào