Có bắt buộc tổ chức, cá nhân nước ngoài có tàu hoạt động thủy sản trong vùng biển Việt Nam phải có người thông thạo tiếng Việt không?
- Có bắt buộc tổ chức, cá nhân nước ngoài có tàu hoạt động thủy sản trong vùng biển Việt Nam phải có người thông thạo tiếng Việt không?
- Giấy phép hoạt động thủy sản của tổ chức, cá nhân nước ngoài được gia hạn mỗi lần bao nhiêu tháng?
- Nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân nước ngoài có tàu hoạt động thủy sản trong vùng biển Việt Nam là gì?
Có bắt buộc tổ chức, cá nhân nước ngoài có tàu hoạt động thủy sản trong vùng biển Việt Nam phải có người thông thạo tiếng Việt không?
Tại khoản 6 Điều 55 Luật Thuỷ sản 2017 có quy định về điều kiện cấp phép cho tổ chức, cá nhân nước ngoài có tàu hoạt động thủy sản trong vùng biển Việt Nam như sau:
Điều kiện cấp phép cho tổ chức, cá nhân nước ngoài có tàu hoạt động thủy sản trong vùng biển Việt Nam
Tổ chức, cá nhân nước ngoài có tàu được cấp phép hoạt động thủy sản trong vùng biển Việt Nam khi đáp ứng các điều kiện sau đây:
1. Có thỏa thuận quốc tế hoặc điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; giấy phép hoặc chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền của nước có tàu cho phép hoạt động tại vùng biển Việt Nam;
2. Có Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc dự án hợp tác về khai thác thủy sản được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hoặc dự án hợp tác điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản, huấn luyện kỹ thuật, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực thủy sản, thu mua, vận chuyển thủy sản trong vùng biển Việt Nam được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.
Việc phê duyệt dự án về khai thác thủy sản trong vùng biển Việt Nam phải căn cứ vào điều kiện quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 50 của Luật này và tàu không có tên trong danh sách tàu cá hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc tổ chức quản lý nghề cá khu vực hoặc tổ chức quốc tế được công nhận xác lập và công bố;
3. Có Giấy chứng nhận đăng ký tàu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của quốc gia mà tàu mang quốc tịch cấp, Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật của tàu do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia mà tàu mang quốc tịch cấp còn thời hạn ít nhất là 06 tháng, Giấy phép sử dụng tần số và thiết bị thu phát sóng vô tuyến điện do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp;
4. Có danh sách thuyền viên và người làm việc trên tàu; thuyền trưởng, máy trưởng có văn bằng, chứng chỉ phù hợp với loại tàu. Thuyền viên và người làm việc trên tàu nước ngoài hoạt động thủy sản trong vùng biển Việt Nam là người nước ngoài phải được sự đồng ý của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng; có hộ chiếu và bảo hiểm thuyền viên;
5. Có thiết bị giám sát hành trình theo quy định;
6. Trên tàu phải có ít nhất một người thông thạo tiếng Việt hoặc tiếng Anh.
Như vậy, tổ chức, cá nhân nước ngoài có tàu hoạt động thủy sản trong vùng biển Việt Nam phải có ít nhất một người thông thạo tiếng Việt hoặc tiếng Anh.
Nghĩa là nếu không thông thạo tiếng Việt thì tàu cá phải có người thông thạo tiếng Anh thì mới được cấp phép hoạt động thủy sản trong vùng biển Việt Nam.
Có bắt buộc tổ chức, cá nhân nước ngoài có tàu hoạt động thủy sản trong vùng biển Việt Nam phải có người thông thạo tiếng Việt không? (Hình từ Internet)
Giấy phép hoạt động thủy sản của tổ chức, cá nhân nước ngoài được gia hạn mỗi lần bao nhiêu tháng?
Tại khoản 3 Điều 56 Luật Thuỷ sản 2017 có quy định về cấp, gia hạn, cấp lại, thu hồi giấy phép đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài có tàu hoạt động thủy sản trong vùng biển Việt Nam như sau:
Cấp, gia hạn, cấp lại, thu hồi giấy phép đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài có tàu hoạt động thủy sản trong vùng biển Việt Nam
1. Nội dung chủ yếu của giấy phép được quy định như sau:
a) Tên, địa chỉ của chủ tàu;
b) Số đăng ký tàu; tên tàu, hô hiệu, mã số của Tổ chức Hàng hải quốc tế (nếu có);
c) Thông tin về tần số liên lạc;
d) Vùng, nghề, lĩnh vực hoạt động của tàu;
đ) Địa điểm làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh;
e) Cảng đăng ký;
g) Thời hạn của giấy phép.
2. Thời hạn của giấy phép căn cứ vào thời hạn của Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc dự án hợp tác nhưng không quá 12 tháng.
3. Giấy phép hoạt động thủy sản của tổ chức, cá nhân nước ngoài được gia hạn nhiều lần, mỗi lần gia hạn không quá 12 tháng khi đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc dự án hợp tác trong lĩnh vực thủy sản còn hiệu lực;
b) Đã nộp nhật ký khai thác thủy sản hoặc báo cáo hoạt động theo quy định.
4. Tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động trong vùng biển Việt Nam được xét cấp lại giấy phép trong trường hợp giấy phép bị mất, hư hỏng, có thay đổi thông tin khi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc dự án hợp tác trong lĩnh vực thủy sản còn hiệu lực.
Như vậy, giấy phép hoạt động thủy sản của tổ chức, cá nhân nước ngoài được gia hạn mỗi lần không quá 12 tháng và phải đáp ứng các điều kiện bao gồm:
- Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc dự án hợp tác trong lĩnh vực thủy sản còn hiệu lực;
- Đã nộp nhật ký khai thác thủy sản hoặc báo cáo hoạt động theo quy định.
Nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân nước ngoài có tàu hoạt động thủy sản trong vùng biển Việt Nam là gì?
Tại khoản 2 Điều 57 Luật Thủy sản 2017 có quy định về tổ chức, cá nhân nước ngoài có tàu hoạt động thủy sản trong vùng biển Việt Nam có nghĩa vụ như sau:
- Nộp đủ phí, lệ phí theo quy định của pháp luật Việt Nam; mua bảo hiểm cho giám sát viên;
- Chỉ được đưa tàu vào cảng đăng ký, phải thông báo bằng văn bản cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ít nhất 07 ngày làm việc trước khi đưa tàu vào Việt Nam, thực hiện thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định của pháp luật Việt Nam;
- Khi hoạt động trong vùng biển Việt Nam phải mang đủ bản chính hoặc bản sao chứng thực giấy phép hoạt động thủy sản do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp;
Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu, Giấy phép sử dụng tần số của thiết bị thu phát sóng vô tuyến điện do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp, sổ danh bạ thuyền viên, hộ chiếu của thuyền viên và người làm việc trên tàu;
- Ghi, nộp nhật ký khai thác thủy sản theo chuyến biển đối với tàu hoạt động khai thác thủy sản;
Báo cáo hoạt động theo chuyến biển đối với tàu điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản, huấn luyện kỹ thuật, chuyển giao công nghệ về thủy sản, thu mua, vận chuyển thủy sản theo quy định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Nhật ký khai thác thủy sản hoặc báo cáo hoạt động của tàu phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh;
- Tuân thủ yêu cầu của giám sát viên; bảo đảm điều kiện làm việc, sinh hoạt cho giám sát viên; tiếp nhận, trả giám sát viên đúng địa điểm đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chấp thuận;
- Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng theo quy định của pháp luật Việt Nam;
- Khi có sự cố, tai nạn hoặc tình huống nguy hiểm cần sự giúp đỡ thì thuyền viên, người làm việc trên tàu phải phát tín hiệu cấp cứu và phải thông báo ngay cho cơ quan hữu quan của Việt Nam nơi gần nhất;
- Tàu khai thác thủy sản chỉ được phép tiêu thụ sản phẩm tại Việt Nam, trừ trường hợp có hợp đồng xuất khẩu;
- Trong trường hợp tàu cá nước ngoài ngừng hoạt động khi giấy phép vẫn còn hiệu lực, chủ tàu phải báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bằng văn bản ít nhất trước 07 ngày làm việc trước khi ngừng hoạt động;
- Treo cờ theo quy định của Chính phủ;
- Chấp hành quy định khác của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Trân trọng!
Lương Thị Tâm Như