Người khuyết tật đặc biệt nặng không nơi nương tựa có được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng không?
- Người khuyết tật đặc biệt nặng không nơi nương tựa có được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng không?
- Người khuyết tật đặc biệt nặng được tiếp nhận vào nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội sẽ được hỗ trợ như thế nào?
- Thành phần hồ sơ tiếp nhận đối với người khuyết tật thuộc diện được chăm sóc, nuôi dưỡng vào cơ sở trợ giúp xã hội bao gồm giấy tờ gì?
Người khuyết tật đặc biệt nặng không nơi nương tựa có được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng không?
Tại điểm a khoản 1 Điều 44 Luật Người khuyết tật 2010 có quy định về trợ cấp xã hội, hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng như sau:
Trợ cấp xã hội, hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng
1. Đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng bao gồm:
a) Người khuyết tật đặc biệt nặng, trừ trường hợp quy định tại Điều 45 của Luật này;
b) Người khuyết tật nặng.
2. Đối tượng được hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng bao gồm:
a) Gia đình có người khuyết tật đặc biệt nặng đang trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc người đó;
b) Người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng;
c) Người khuyết tật quy định tại khoản 1 Điều này đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi.
3. Người khuyết tật quy định tại khoản 1 Điều này là trẻ em, người cao tuổi được hưởng mức trợ cấp cao hơn đối tượng khác cùng mức độ khuyết tật.
4. Mức trợ cấp xã hội hàng tháng, mức hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng đối với từng loại đối tượng theo quy định tại Điều này do Chính phủ quy định.
Tại khoản 1 Điều 45 Luật Người khuyết tật 2010 có quy định về nuôi dưỡng người khuyết tật trong cơ sở bảo trợ xã hội như sau:
Nuôi dưỡng người khuyết tật trong cơ sở bảo trợ xã hội
1. Người khuyết tật đặc biệt nặng không nơi nương tựa, không tự lo được cuộc sống được tiếp nhận vào nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội.
…
Như vậy, người khuyết tật đặc biệt nặng không nơi nương tựa có được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng.
Lưu ý: Trợ cấp xã hội hàng tháng không áp dụng đối với người khuyết tật đặc biệt nặng không nơi nương tựa được tiếp nhận vào nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội.
Người khuyết tật đặc biệt nặng không nơi nương tựa có được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng không? (Hình từ Internet)
Người khuyết tật đặc biệt nặng được tiếp nhận vào nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội sẽ được hỗ trợ như thế nào?
Tại khoản 2 Điều 45 Luật Người khuyết tật 2010 có quy định về nuôi dưỡng người khuyết tật trong cơ sở bảo trợ xã hội như sau:
Nuôi dưỡng người khuyết tật trong cơ sở bảo trợ xã hội
1. Người khuyết tật đặc biệt nặng không nơi nương tựa, không tự lo được cuộc sống được tiếp nhận vào nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội.
2. Nhà nước cấp kinh phí nuôi dưỡng người khuyết tật quy định tại khoản 1 Điều này cho các cơ sở bảo trợ xã hội bao gồm:
a) Trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng;
b) Mua sắm tư trang, vật dụng phục vụ cho sinh hoạt thường ngày;
c) Mua thẻ bảo hiểm y tế;
d) Mua thuốc chữa bệnh thông thường;
đ) Mua dụng cụ, phương tiện hỗ trợ phục hồi chức năng;
e) Mai táng khi chết;
g) Vệ sinh cá nhân hàng tháng đối với người khuyết tật là nữ.
3. Chính phủ quy định mức trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng và kinh phí quy định tại khoản 2 Điều này.
Như vậy, người khuyết tật đặc biệt nặng được tiếp nhận vào nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội sẽ được hỗ trợ các kinh phí bao gồm:
- Trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng;
- Mua sắm tư trang, vật dụng phục vụ cho sinh hoạt thường ngày;
- Mua thẻ bảo hiểm y tế;
- Mua thuốc chữa bệnh thông thường;
- Mua dụng cụ, phương tiện hỗ trợ phục hồi chức năng;
- Mai táng khi chết;
- Vệ sinh cá nhân hàng tháng đối với người khuyết tật là nữ.
Thành phần hồ sơ tiếp nhận đối với người khuyết tật thuộc diện được chăm sóc, nuôi dưỡng vào cơ sở trợ giúp xã hội bao gồm giấy tờ gì?
Tại Điều 27 Nghị định 20/2021/NĐ- CP có quy định về hồ sơ tiếp nhận đối với người khuyết tật thuộc diện được chăm sóc, nuôi dưỡng vào cơ sở trợ giúp xã hội như sau:
- Tờ khai của đối tượng hoặc người giám hộ;
- Bản sao Giấy xác nhận khuyết tật đối với trường hợp là người khuyết tật;
- Văn bản đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp xã;
- Giấy tờ liên quan khác (nếu có);
- Văn bản đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện gửi cơ quan quản lý cơ sở trợ giúp xã hội (nếu vào cơ sở của tỉnh);
- Quyết định tiếp nhận của người đứng đầu cơ sở trợ giúp xã hội.
Trân trọng!
Lương Thị Tâm Như