Hiện nay hạn mức trả tiền bảo hiểm tiền gửi là bao nhiêu? Trường hợp số tiền gửi vượt quá hạn mức trả tiền bảo hiểm thì số tiền đó được xử lý như thế nào?
- Hiện nay hạn mức trả tiền bảo hiểm tiền gửi là bao nhiêu?
- Số tiền gửi được bảo hiểm được tính như thế nào khi người được bảo hiểm tiền gửi có khoản nợ tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi?
- Thành phần hồ sơ đề nghị trả tiền bảo hiểm cần có những giấy tờ gì?
- Trường hợp số tiền gửi vượt quá hạn mức trả tiền bảo hiểm thì số tiền đó được xử lý như thế nào?
Hiện nay hạn mức trả tiền bảo hiểm tiền gửi là bao nhiêu?
Tại Điều 3 Quyết định 32/2021/QĐ-TTg có quy định hạn mức trả tiền bảo hiểm như sau:
Hạn mức trả tiền bảo hiểm
Số tiền tối đa tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm là 125.000.000 đồng (một trăm hai mươi lăm triệu đồng).
Như vậy, hiện nay hạn mức trả tiền bảo hiểm tiền gửi bao gồm cả tiền gốc và tiền lãi của một người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm là 125.000.000 đồng.
Hiện nay hạn mức trả tiền bảo hiểm tiền gửi là bao nhiêu? Trường hợp số tiền gửi vượt quá hạn mức trả tiền bảo hiểm thì số tiền đó được xử lý như thế nào? (Hình từ Internet)
Số tiền gửi được bảo hiểm được tính như thế nào khi người được bảo hiểm tiền gửi có khoản nợ tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi?
Tại khoản 3 Điều 25 Luật Bảo hiềm tiền gửi 2012 có quy định về số tiền bảo hiểm được trả như sau:
Số tiền bảo hiểm được trả
1. Số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi bao gồm tiền gốc và tiền lãi, tối đa bằng hạn mức trả tiền bảo hiểm quy định tại Điều 24 của Luật này.
2. Số tiền bảo hiểm được trả trong trường hợp nhiều người sở hữu chung tiền gửi được bảo hiểm tiền gửi được quy định như sau:
a) Số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của nhiều người sở hữu chung tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi bao gồm tiền gốc và tiền lãi, tối đa bằng hạn mức trả tiền bảo hiểm cho một người quy định tại Điều 24 của Luật này. Số tiền bảo hiểm được trả sẽ được chia theo thỏa thuận của các đồng chủ sở hữu; trường hợp giữa các đồng chủ sở hữu không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được thì giải quyết theo quy định của pháp luật;
b) Trường hợp một trong các đồng chủ sở hữu có khoản tiền gửi khác được bảo hiểm tại cùng một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi thì tổng số tiền bảo hiểm được trả cho một đồng chủ sở hữu không vượt quá hạn mức trả tiền bảo hiểm.
3. Trường hợp người được bảo hiểm tiền gửi có khoản nợ tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi thì số tiền gửi được bảo hiểm là số tiền còn lại sau khi trừ khoản nợ đó.
Như vậy, khi người được bảo hiểm tiền gửi có khoản nợ tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi thì số tiền gửi được bảo hiểm được tính là số tiền còn lại sau khi trừ khoản nợ đó.
Thành phần hồ sơ đề nghị trả tiền bảo hiểm cần có những giấy tờ gì?
Tại Điều 9 Thông tư 24/2014/TT-NHNN có quy định hồ sơ đề nghị trả tiền bảo hiểm do người đại diện tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi như sau:
Thủ tục trả tiền bảo hiểm
1. Trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc, kể từ thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm, tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phải gửi Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam hồ sơ đề nghị trả tiền bảo hiểm. Hồ sơ đề nghị trả tiền bảo hiểm do người đại diện tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi quy định tại khoản 2 Điều này ký, bao gồm:
a) Văn bản đề nghị trả tiền bảo hiểm theo mẫu quy định của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam;
b) Danh sách người được bảo hiểm tiền gửi theo mẫu quy định của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, trong đó ghi rõ số tiền gửi được bảo hiểm (bao gồm cả tiền gốc và tiền lãi) và khoản nợ tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi (nếu có, bao gồm cả tiền gốc và tiền lãi) của từng người được bảo hiểm tiền gửi tính đến ngày phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi; số tiền bảo hiểm đề nghị trả cho từng người được bảo hiểm tiền gửi.
c) Bản sao văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc văn bản không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán hoặc văn bản xác định chi nhánh ngân hàng nước ngoài mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền của Ngân hàng Nhà nước theo quy định tại Điều 8 Thông tư này.
...
Như vậy, thành phần hồ sơ đề nghị trả tiền bảo hiểm cần có những thông tin như sau:
- Văn bản đề nghị trả tiền bảo hiểm theo mẫu quy định của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam;
- Danh sách người được bảo hiểm tiền gửi theo mẫu quy định của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, trong đó ghi rõ:
+ Số tiền gửi được bảo hiểm (bao gồm cả tiền gốc và tiền lãi);
+ Khoản nợ tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi (nếu có, bao gồm cả tiền gốc và tiền lãi) của từng người được bảo hiểm tiền gửi tính đến ngày phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi;
+ Số tiền bảo hiểm đề nghị trả cho từng người được bảo hiểm tiền gửi.
- Bản sao văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc văn bản không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán hoặc văn bản xác định chi nhánh ngân hàng nước ngoài mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền của Ngân hàng Nhà nước.
Trường hợp số tiền gửi vượt quá hạn mức trả tiền bảo hiểm thì số tiền đó được xử lý như thế nào?
Tại Điều 27 Luật Bảo hiềm tiền gửi 2012 có quy định về xử lý số tiền gửi vượt hạn mức trả tiền bảo hiểm như sau:
Xử lý số tiền gửi vượt hạn mức trả tiền bảo hiểm
Số tiền gửi của người được bảo hiểm tiền gửi bao gồm tiền gốc và tiền lãi vượt quá hạn mức trả tiền bảo hiểm sẽ được giải quyết trong quá trình xử lý tài sản của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi theo quy định của pháp luật.
Như vậy, trường hợp số tiền gửi vượt quá hạn mức trả tiền bảo hiểm thì số tiền đó được xử lý trong quá trình xử lý tài sản của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.
Trân trọng!
Lương Thị Tâm Như