Những dấu hiệu đáng ngờ về hành vi rửa tiền trong lĩnh vực ngân hàng?
Thế nào là hành vi rửa tiền?
Khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 giải thích về hành vi rửa tiền như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Rửa tiền là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có.
2. Tài sản do phạm tội mà có là tài sản có được trực tiếp hoặc gián tiếp từ hành vi phạm tội; phần thu nhập, hoa lợi, lợi tức, lợi nhuận sinh ra từ tài sản có được từ hành vi phạm tội.
...
Theo quy định nêu trên, rửa tiền là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có.
Những dấu hiệu đáng ngờ về hành vi rửa tiền trong lĩnh vực ngân hàng? (Hình từ Internet)
Những dấu hiệu đáng ngờ về hành vi rửa tiền trong lĩnh vực ngân hàng?
Căn cứ quy định tại Điều 28 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022, có 14 dấu hiệu đáng ngờ về hành vi rửa tiền trong lĩnh vực ngân hàng như sau:
- Có sự thay đổi đột biến trong doanh số giao dịch trên tài khoản; tiền vào và rút ra nhanh khỏi tài khoản; doanh số giao dịch lớn trong ngày nhưng số dư tài khoản rất nhỏ hoặc bằng không.
- Các giao dịch chuyển tiền có giá trị nhỏ từ nhiều tài khoản khác nhau về một tài khoản hoặc ngược lại trong một thời gian ngắn; tiền được chuyển qua nhiều tài khoản; các bên liên quan không quan tâm đến phí giao dịch; thực hiện nhiều giao dịch, mỗi giao dịch gần mức giá trị lớn phải báo cáo.
- Sử dụng thư tín dụng và các phương thức tài trợ thương mại khác có giá trị lớn bất thường, tỷ lệ chiết khấu với giá trị cao so với bình thường.
- Khách hàng mở nhiều tài khoản tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ở khu vực địa lý khác nơi khách hàng cư trú, làm việc hoặc có hoạt động kinh doanh.
- Tài khoản của khách hàng đột nhiên nhận được một khoản tiền gửi hoặc chuyển tiền có giá trị lớn bất thường.
- Chuyển số tiền lớn từ tài khoản của doanh nghiệp ra nước ngoài sau khi nhận được nhiều khoản tiền nhỏ được chuyển vào bằng chuyển tiền điện tử, séc, hối phiếu.
- Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chuyển tiền ra nước ngoài ngay sau khi nhận được vốn đầu tư hoặc chuyển tiền ra nước ngoài không phù hợp với hoạt động kinh doanh; nhà đầu tư nước ngoài chuyển tiền ra nước ngoài ngay sau khi nhận được tiền từ nước ngoài chuyển vào tài khoản mở tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.
- Khách hàng thường xuyên đổi tiền có mệnh giá nhỏ sang mệnh giá lớn.
- Giao dịch gửi tiền, rút tiền hay chuyển tiền được thực hiện bởi tổ chức hoặc cá nhân liên quan đến tội phạm tạo ra tài sản bất hợp pháp đã được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng.
- Khách hàng yêu cầu vay số tiền tối đa được phép trên cơ sở bảo đảm bằng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đóng phí một lần ngay sau khi thanh toán phí bảo hiểm.
- Thông tin về nguồn gốc tài sản sử dụng để tài trợ, đầu tư, cho vay hoặc ủy thác đầu tư của khách hàng không rõ ràng, minh bạch.
- Thông tin về nguồn gốc tài sản bảo đảm của khách hàng đề nghị vay vốn không đầy đủ, không chính xác.
- Có dấu hiệu nghi ngờ khách hàng sử dụng tài khoản cá nhân để thực hiện giao dịch liên quan đến hoạt động của tổ chức hoặc giao dịch thay cho đối tượng cá nhân khác.
- Các giao dịch trực tuyến qua tài khoản liên tục thay đổi về thiết bị đăng nhập hoặc địa chỉ giao thức Internet (sau đây gọi là địa chỉ IP) ở nước ngoài.
Khi phát hiện các dấu hiệu đáng ngờ về hành vi rửa tiền trong lĩnh vực ngân hàng, đối tượng báo cáo có thể ngay lập tức thực hiện trì hoãn giao dịch hay không?
Khoản 1 Điều 44 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 quy định về các trường hợp mà đối tượng báo cáo được áp dụng ngay biện pháp trì hoãn giao dịch như sau:
Trì hoãn giao dịch
1. Đối tượng báo cáo phải áp dụng ngay biện pháp trì hoãn giao dịch trong các trường hợp sau đây:
a) Khi có căn cứ để nghi ngờ hoặc phát hiện các bên liên quan đến giao dịch thuộc Danh sách đen;
b) Khi có lý do để tin rằng giao dịch được yêu cầu thực hiện có liên quan đến hoạt động phạm tội, bao gồm: giao dịch do người bị kết án theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự yêu cầu thực hiện và tài sản trong giao dịch thuộc quyền sở hữu hoặc có nguồn gốc thuộc quyền sở hữu, quyền kiểm soát của người bị kết án đó; giao dịch liên quan đến tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi có liên quan đến tội phạm tài trợ khủng bố;
c) Khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại các luật có liên quan.
...
Theo quy định nêu trên, đối tượng báo cáo phải áp dụng ngay biện pháp trì hoãn giao dịch trong các trường hợp:
- Có căn cứ để nghi ngờ hoặc phát hiện các bên liên quan đến giao dịch thuộc Danh sách đen;
- Khi có lý do để tin rằng giao dịch được yêu cầu thực hiện có liên quan đến hoạt động phạm tội, bao gồm:
+ Giao dịch do người bị kết án theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự yêu cầu thực hiện và tài sản trong giao dịch thuộc quyền sở hữu hoặc có nguồn gốc thuộc quyền sở hữu, quyền kiểm soát của người bị kết án đó;
- Giao dịch liên quan đến tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi có liên quan đến tội phạm tài trợ khủng bố;
- Khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại các luật có liên quan.
Vậy, khi phát hiện các dấu hiệu đáng ngờ về hành vi rửa tiền trong lĩnh vực ngân hàng, đối tượng báo cáo chỉ có thể ngay lập tức thực hiện trì hoãn giao dịch với các giao dịch thuộc trường hợp nêu trên.
Với các tình huống khác đối tượng báo cáo không được thực hiện trì hoãn giao dịch.
Trân trọng!
Trần Thúy Nhàn