Đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng vắc xin Dại cho chó, mèo trên 80% trong giai đoạn 2026 - 2030?

Cho tôi hỏi mục tiêu trong giai đoạn 2026-2030 tỷ lệ tiêm phòng vắc xin Dại cho chó, mèo phải đạt bao nhiêu phần trăm? Câu hỏi của anh Việt ở Gò Vấp (TP.HCM)

Đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng vắc xin Dại cho chó, mèo trên 80% trong giai đoạn 2026 - 2030?

Tại Mục 1 Chỉ thị 11/CT-TTg năm 2023 Thủ tướng Chính phủ có yêu cầu thực hiện các biện pháp nhằm tăng cường biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh Dại cụ thể:

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:
a) Ban hành văn bản chỉ đạo Ủy ban nhân dân các cấp và các sở, ngành liên quan triển khai các hoạt động cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về phòng, chống bệnh Dại ở người và động vật. Người đứng đầu Ủy ban nhân dân các cấp chịu hoàn toàn trách nhiệm trong việc chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh Dại; xử lý cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý.
b) Xây dựng, phê duyệt và bố trí đủ nguồn lực để tổ chức triển khai có hiệu quả kế hoạch phòng, chống bệnh Dại của địa phương, ưu tiên mua vắc xin, tổ chức tiêm vắc xin Dại cho đàn chó, mèo đồng loạt vào cùng một thời điểm. Hỗ trợ mua vắc xin, tổ chức tiêm vắc xin Dại cho đàn chó, mèo tại các ổ dịch, khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng miền núi khu vực II, III, vùng biên giới, ...
c) Tổ chức thống kê chính xác số hộ nuôi và số chó, mèo ở từng khu dân cư; thôn, xã; hướng dẫn, yêu cầu chủ hộ nuôi chó, mèo cam kết thực hiện nghiêm việc khai báo, chấp hành việc nuôi nhốt chó, mèo trong khuôn viên gia đình, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không để ảnh hưởng tới những người xung quanh; chấp hành tiêm vắc xin phòng bệnh Dại cho chó, mèo theo quy định; báo cáo đầy đủ, kịp thời, chính xác số liệu trên Hệ thống báo cáo dịch bệnh động vật trực tuyến (VAHIS).
d) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các cấp chủ động phối hợp với cơ quan quản lý chuyên ngành thú y tổ chức thực hiện tiêm phòng vắc xin Dại cho đàn chó, mèo, bảo đảm đạt tỷ lệ tiêm phòng trên 70% tổng đàn trong giai đoạn 2023 - 2025 và trên 80% trong giai đoạn 2026 - 2030; thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung, tránh bỏ sót chó, mèo.
đ) Chỉ đạo các đơn vị chuyên môn y tế và thú y kịp thời chia sẻ thông tin ngay khi phát hiện hoặc nhận được thông tin về các trường hợp người bị chó, mèo mắc bệnh Dại hoặc nghi mắc bệnh Dại cắn; tổ chức điều tra, xác định nguyên nhân và thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ủy ban nhân dân các cấp chủ động phối hợp với cơ quan quản lý chuyên ngành thú y tổ chức thực hiện tiêm phòng vắc xin Dại cho đàn chó, mèo, bảo đảm đạt tỷ lệ tiêm phòng trên 70% tổng đàn trong giai đoạn 2023 - 2025 và trên 80% trong giai đoạn 2026 - 2030;

Thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung, tránh bỏ sót chó, mèo.

Đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng vắc xin Dại cho chó, mèo trên 80% trong giai đoạn 2026 - 2030?

Đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng vắc xin Dại cho chó, mèo trên 80% trong giai đoạn 2026 - 2030? (Hình từ Internet)

Bệnh dại là gì?

Tại Mục 1 Hướng dẫn giám sát, phòng chống bệnh dại trên người ban hành kèm theo Quyết định 1622/QĐ-BYT năm 2014 có quy định về những đặc điểm của bệnh dại như sau:

Bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do vi rút, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn của động vật mắc bệnh.

Bệnh thường lưu hành ở các nước thuộc khu vực châu Á và châu Phi. Tại Việt Nam, bệnh dại lưu hành ở nhiều địa phương, chủ yếu là ở các tỉnh miền núi với nguồn truyền bệnh chính là chó. Bệnh thường tăng cao vào mùa nắng nóng từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm.

Các biểu hiện lâm sàng của bệnh dại trên người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt và dẫn đến tử vong. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% (đối với cả người và động vật). Tuy vậy, bệnh dại trên người có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại.

Tiêm vắc xin dại cho cả người và động vật (chủ yếu là chó) là biện pháp hiệu quả để phòng, chống bệnh dại.

Bệnh dại thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm B trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm ở Việt Nam.

Bệnh dại lây truyền qua những con đường nào?

Tại Tiểu mục 1.3 Mục 1 Hướng dẫn giám sát, phòng chống bệnh dại trên người ban hành kèm theo Quyết định 1622/QĐ-BYT năm 2014 có quy định về các con đường lây truyền của bệnh dại như sau:

ĐẶC ĐIỂM CHUNG CỦA BỆNH DẠI
...
1.3. Đường lây truyền bệnh dại
Bệnh lây truyền chủ yếu qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của động vật bị dại lên trên da bị tổn thương. Ngoài ra vi rút dại còn có thể lây truyền từ người sang người qua cấy ghép mô, phủ tạng và vết cắn hoặc tiếp xúc với chất tiết của bệnh nhân bị dại cũng đã được báo cáo.
Ngoài ra, còn có các đường lây truyền khác nhưng hiếm gặp hơn như lây truyền qua niêm mạc do tiếp xúc hoặc hít phải không khí giọt nhỏ chứa vi rút dại trong hang dơi hoặc tai nạn ở phòng thí nghiệm.

Theo đó, bệnh dại có thể lây truyền qua các con đường:

- Qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của động vật bị dại lên trên da bị tổn thương.

- Qua cấy ghép mô, phủ tạng và vết cắn hoặc tiếp xúc với chất tiết của bệnh nhân bị dại.

- Qua niêm mạc do tiếp xúc hoặc hít phải không khí giọt nhỏ chứa vi rút dại trong hang dơi hoặc tai nạn ở phòng thí nghiệm.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Tỷ lệ tiêm phòng vắc xin

Huỳnh Minh Hân

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào