Dự kiến: Toàn bộ Chứng minh nhân dân chỉ còn được sử dụng đến hết ngày 31/12/2024?
Dự kiến: Toàn bộ Chứng minh nhân dân chỉ còn được sử dụng đến hết ngày 31/12/2024?
Tại Điều 45 Dự thảo Luật Căn cước công dân có quy định:
Quy định chuyển tiếp
1. Chứng minh nhân dân còn thời hạn sử dụng đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì được sử dụng đến hết ngày 31/12/2024.
2. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ Chứng minh nhân dân vẫn nguyên hiệu lực pháp luật. Cơ quan quản lý nhà nước không được quy định các thủ tục về đính chính, thay đổi thông tin liên quan đến Chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân trong các giấy tờ nêu trên.
Theo đó, dự kiến toàn bộ chứng minh nhân dân còn thời hạn sử dụng đã được cấp sẽ được sử dụng đến hết ngày 31/12/2024. Điều này đồng nghĩa với việc sau ngày 31/12/2024 chứng minh nhân dân sẽ không còn giá trị sử dụng.
Đồng thời, các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ Chứng minh nhân dân vẫn nguyên hiệu lực pháp luật.
Cơ quan quản lý nhà nước không được quy định các thủ tục về đính chính, thay đổi thông tin liên quan đến Chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân trong các giấy tờ nêu trên.
Theo quy định hiện hành, thời hạn sử dụng của Chứng minh nhân dân là bao lâu?
Tại Điều 2 Nghị định 05/1999/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Nghị định 170/2007/NĐ-CP có quy định:
Chứng minh nhân dân hình chữ nhật dài 85,6 mm, rộng 53,98 mm, hai mặt Chứng minh nhân dân in hoa văn màu xanh trắng nhạt. Có giá trị sử dụng 15 năm kể từ ngày cấp.
Mặt trước: Bên trái, từ trên xuống: hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đường kính 14 mm; ảnh của người được cấp Chứng minh nhân dân cỡ 20 x 30 mm; có giá trị đến (ngày, tháng, năm). Bên phải, từ trên xuống: Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; chữ “Chứng minh nhân dân” (màu đỏ); số; họ và tên khai sinh; họ và tên gọi khác; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quê quán; nơi thường trú.
Mặt sau: Trên cùng là mã vạch 2 chiều. Bên trái, có 2 ô: ô trên, vân tay ngón trỏ trái; ô dưới, vân tay ngón trỏ phải. Bên phải, từ trên xuống: đặc điểm nhân dạng; họ và tên cha; họ và tên mẹ; ngày, tháng, năm cấp Chứng minh nhân dân; chức danh người cấp; ký tên và đóng dấu
Như vậy, theo quy định hiện hành, thời hạn sử dụng của Chứng minh nhân dân là 15 năm kể từ ngày cấp.
Dự kiến: Toàn bộ Chứng minh nhân dân chỉ còn được sử dụng đến hết ngày 31/12/2024? (Hình từ Internet)
Thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân có chứa thông tin của chứng minh nhân dân hay không?
Tại Điều 15 Luật Căn cước công dân 2014 có quy định về thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân như sau:
Thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân
1. Nội dung thông tin được thu thập, cập nhật gồm:
a) Thông tin quy định tại khoản 1 Điều 9 của Luật này;
b) Ảnh chân dung;
c) Đặc điểm nhân dạng;
d) Vân tay;
đ) Họ, tên gọi khác;
e) Số, ngày, tháng, năm và nơi cấp Chứng minh nhân dân;
g) Nghề nghiệp, trừ quân nhân tại ngũ;
h) Trình độ học vấn;
i) Ngày, tháng, năm công dân thông báo mất Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân.
2. Trường hợp thông tin quy định tại khoản 1 Điều này chưa có hoặc không đầy đủ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu, tàng thư căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu về cư trú thì công dân bổ sung khi làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân.
Vậy, thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân có chứa Số, ngày, tháng, năm và nơi cấp Chứng minh nhân dân.
Ngoài ra, thông tin về ngày, tháng, năm công dân thông báo mất Chứng minh nhân dân vẫn được cập nhật trong cơ sở dữ liệu căn cước công dân
Lưu ý: Dự thảo Luật Căn cước công dân vẫn đang được lấy ý kiến và chưa có hiệu lực thi hành.
Trân trọng!
Huỳnh Minh Hân