Người cao tuổi thuộc hộ nghèo không có người phụng dưỡng được vào cơ sở bảo trợ xã hội thì được hưởng các chế độ gì?
- Nhà nước có những chính sách gì đối với người cao tuổi?
- Người từ 80 tuổi mà không có trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng thì có được hưởng chính sách bảo trợ xã hội không?
- Người cao tuổi thuộc hộ nghèo không có người phụng dưỡng được vào cơ sở bảo trợ xã hội thì được hưởng các chế độ gì?
- Cơ sở chăm sóc người cao tuổi bao gồm có những cơ sở nào?
Nhà nước có những chính sách gì đối với người cao tuổi?
Tại Điều 4 Luật Người cao tuổi 2009 có quy định chính sách của Nhà nước đối với người cao tuổi như sau:
- Bố trí ngân sách hằng năm phù hợp để thực hiện chính sách chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi.
- Bảo trợ xã hội đối với người cao tuổi theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Lồng ghép chính sách đối với người cao tuổi trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội.
- Phát triển ngành lão khoa đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh cho người cao tuổi; đào tạo nhân viên chăm sóc người cao tuổi.
- Khuyến khích, tạo điều kiện cho người cao tuổi rèn luyện sức khoẻ; tham gia học tập, hoạt động văn hoá, tinh thần; sống trong môi trường an toàn và được tôn trọng về nhân phẩm; phát huy vai trò người cao tuổi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
- Khuyến khích, hỗ trợ cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện tuyên truyền, giáo dục ý thức kính trọng, biết ơn người cao tuổi, chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi.
- Khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi.
- Xử lý nghiêm minh cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Người cao tuổi thuộc hộ nghèo không có người phụng dưỡng được vào cơ sở bảo trợ xã hội thì được hưởng các chế độ gì? (Hình từ Internet)
Người từ 80 tuổi mà không có trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng thì có được hưởng chính sách bảo trợ xã hội không?
Tại Điều 17 Luật Người cao tuổi 2009 có quy định về đối tượng được hưởng chính sách bảo trợ xã hội như sau:
Đối tượng được hưởng chính sách bảo trợ xã hội
1. Người cao tuổi thuộc hộ gia đình nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội hằng tháng.
2. Người từ đủ 80 tuổi trở lên không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng trợ cấp xã hội hằng tháng.
Như vậy, người già từ đủ 80 tuổi mà không có trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng sẽ được hưởng chính sách bảo trợ xã hội khi thuộc một trong các trường hợp sau:
- Thuộc hộ gia đình nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng;
- Có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội hằng tháng.
Người cao tuổi thuộc hộ nghèo không có người phụng dưỡng được vào cơ sở bảo trợ xã hội thì được hưởng các chế độ gì?
Tại Điều 18 Luật Người cao tuổi 2009 về chính sách bảo trợ xã hội có quy định như sau:
Chính sách bảo trợ xã hội
1. Người cao tuổi quy định tại Điều 17 của Luật này được hưởng bảo hiểm y tế, được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng và hỗ trợ chi phí mai táng khi chết, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Người cao tuổi thuộc hộ gia đình nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, không có điều kiện sống ở cộng đồng, có nguyện vọng và được tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội thì được hưởng các chế độ sau đây:
a) Trợ cấp nuôi dưỡng hằng tháng;
b) Cấp tư trang, vật dụng phục vụ cho sinh hoạt thường ngày;
c) Được hưởng bảo hiểm y tế;
d) Cấp thuốc chữa bệnh thông thường;
đ) Cấp dụng cụ, phương tiện hỗ trợ phục hồi chức năng;
e) Mai táng khi chết.
3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Như vậy, các chế độ mà người cao tuổi thuộc hộ nghèo không có người phụng dưỡng, không có điều kiện sống ở cộng đồng được vào cơ sở bảo trợ xã hội bao gồm:
- Trợ cấp nuôi dưỡng hằng tháng;
- Cấp tư trang, vật dụng phục vụ cho sinh hoạt thường ngày;
- Được hưởng bảo hiểm y tế;
- Cấp thuốc chữa bệnh thông thường;
- Cấp dụng cụ, phương tiện hỗ trợ phục hồi chức năng;
- Mai táng khi chết.
Cơ sở chăm sóc người cao tuổi bao gồm có những cơ sở nào?
Tại khoản 2 Điều 20 Luật Người cao tuổi 2009 có quy định các cơ sở chăm sóc người cao tuổi như sau:
Cơ sở chăm sóc người cao tuổi
1. Cơ sở chăm sóc người cao tuổi là nơi chăm sóc, nuôi dưỡng, tư vấn hoặc hỗ trợ những điều kiện cần thiết khác cho người cao tuổi.
2. Cơ sở chăm sóc người cao tuổi bao gồm:
a) Cơ sở bảo trợ xã hội;
b) Cơ sở tư vấn, dịch vụ chăm sóc người cao tuổi;
c) Cơ sở chăm sóc người cao tuổi khác.
Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập và hoạt động của các cơ sở chăm sóc người cao tuổi quy định tại khoản này.
3. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở chăm sóc người cao tuổi; đầu tư cơ sở vật chất và hỗ trợ kinh phí hoạt động cho cơ sở chăm sóc người cao tuổi công lập; hỗ trợ kinh phí cho cơ sở chăm sóc người cao tuổi ngoài công lập nuôi dưỡng người cao tuổi quy định tại khoản 2 Điều 18 của Luật này.
4. Tổ chức, cá nhân đóng góp, đầu tư xây dựng cơ sở chăm sóc người cao tuổi bằng nguồn kinh phí của mình được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường.
Như vậy, có 03 cơ sở chăm sóc người cao tuổi bao gồm:
(1) Cơ sở bảo trợ xã hội;
(2) Cơ sở tư vấn, dịch vụ chăm sóc người cao tuổi;
(3) Cơ sở chăm sóc người cao tuổi khác.
Trân trọng!
Lương Thị Tâm Như