Lắp đèn nháy hậu xe có bị xử lý vi phạm không?
Lắp đèn nháy hậu có bị xử lý vi phạm không?
Căn cứ theo khoản 13 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong giao thông đường bộ như sau:
Các hành vi bị nghiêm cấm
...
13. Lắp đặt, sử dụng còi, đèn không đúng thiết kế của nhà sản xuất đối với từng loại xe cơ giới; sử dụng thiết bị âm thanh gây mất trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng.
...
Căn cứ tại khoản 2 Điều 55 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về bảo đảm quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ:
Bảo đảm quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ
...
2. Chủ phương tiện không được tự thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Như vậy, việc thay đèn nháy hậu trên xe ô tô hay xe máy đều là hành vi vi phạm về chất lượng an toàn kỹ thuật. Đèn xe được thay phải đáp ứng được tiêu chuẩn thiết kế của nhà chế tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, nếu không người tham gia giao thông sẽ bị xử lý vi phạm về lỗi trên.
Lắp đèn nháy hậu xe có bị xử lý vi phạm không? (Hình từ Internet)
Mức hình phạt xử lý vi phạm hành chính khi xe máy lắp đèn nháy hậu?
Căn cứ theo điểm a khoản 1 Điều 17 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định:
Xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông
1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Điều khiển xe không có còi; đèn soi biển số; đèn báo hãm; gương chiếu hậu bên trái người điều khiển hoặc có nhưng không có tác dụng;
...
h) Điều khiển xe lắp đèn chiếu sáng về phía sau xe.
Theo đó, nếu xe máy, xe mô tô và kể cả các loại xe tương tự xe gắn máy khi lắp đèn nháy hậu nhưng không có chức năng tương đồng với đèn báo hãm thì sẽ không đúng tiêu chuẩn, và bị phạt tiền đến từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.
Trường hợp cường độ sáng của đèn nháy hậu được lắp quá lớn, chiếu sáng về phía sau xe cũng sẽ bị xử lý vi phạm về hành vi điều khiển xe lắp đèn chiếu sáng về phía sau xe với mức phạt tiền như trên.
Mức hình phạt xử lý vi phạm hành chính khi ô tô lắp đèn nháy hậu?
Căn cứ theo điểm a khoản 2 Điều 16 Nghị định 100/2019/NĐ-CP sửa đổi bởi khoản 9 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP như sau:
Xử phạt người điều khiển xe ô tô (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông
...
2. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Điều khiển xe không có đủ đèn chiếu sáng, đèn soi biển số, đèn báo hãm, đèn tín hiệu, cần gạt nước, gương chiếu hậu, dây an toàn, dụng cụ thoát hiểm, thiết bị chữa cháy, đồng hồ báo áp lực hơi, đồng hồ báo tốc độ của xe hoặc có những thiết bị đó nhưng không có tác dụng, không đúng tiêu chuẩn thiết kế (đối với loại xe được quy định phải có những thiết bị đó), trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm m khoản 3 Điều 23, điểm q khoản 4 Điều 28 Nghị định này;
...
9. Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:
a) Thực hiện hành vi quy định tại khoản 1; khoản 2; điểm b, điểm c khoản 3; điểm c, điểm d khoản 4; điểm b khoản 5; điểm d khoản 6 Điều này buộc phải lắp đầy đủ thiết bị hoặc thay thế thiết bị đủ tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật hoặc khôi phục lại tính năng kỹ thuật của thiết bị theo quy định;
...
Như vậy, lắp đèn nháy cho xe ô tô không đúng tiêu chuẩn thiết kế sẽ bị phạt tối đa 400.000 đồng. Ngoài ra, người lái xe buộc phải tháo bỏ đèn nháy hậu được lắp thêm là thiệt bị không đúng quy định, khôi phục lại tính năng kỹ thuật của thiết bị theo quy định.
Trân trọng!
Đào Phương Nga