Công đoàn cơ sở có được quyền yêu cầu mở thủ tục phá sản hay không? Công đoàn cơ sở có được tham gia Hội nghị chủ nợ không?
Công đoàn cơ sở có được quyền yêu cầu mở thủ tục phá sản hay không?
Căn cứ tại khoản 2 Điều 5 Luật Phá sản 2014 quy định như sau:
Người có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản
[...]
2. Người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở những nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày phải thực hiện nghĩa vụ trả lương, các khoản nợ khác đến hạn đối với người lao động mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.
[...]
Như vậy, trong trường hợp hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày phải thực hiện nghĩa vụ trả lương và các khoản nợ khác đến hạn đối với người lao động mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán thì tổ chức công đoàn cơ sở hoàn toàn có quyền nộp đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản.
Công đoàn cơ sở có được quyền yêu cầu mở thủ tục phá sản hay không? (Hình từ Internet)
Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản phải của công đoàn cơ sở gồm những nội dung gì?
Căn cứ tại khoản 2 Điều 27 Luật Phá sản 2014 quy định về đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của đại diện công đoàn như sau:
Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của người lao động, đại diện công đoàn
[...]
2. Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản phải có các nội dung chủ yếu sau:
a) Ngày, tháng, năm;
b) Tên Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết phá sản;
c) Tên, địa chỉ của người làm đơn;
d) Tên, địa chỉ của doanh nghiệp, hợp tác xã bị yêu cầu mở thủ tục phá sản;
đ) Tổng số tiền lương và các khoản nợ khác đã đến hạn mà doanh nghiệp, hợp tác xã không trả cho người lao động.
Kèm theo đơn phải có chứng cứ để chứng minh lương và các khoản nợ khác đến hạn.
[...]
Như vậy, theo quy định trên đơn yêu cầu mở tục phá sản phải của tổ chức công đoàn cơ sở phải có các nội dung chủ yếu sau:
- Ngày, tháng, năm;
- Tên Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết phá sản;
- Tên, địa chỉ của người làm đơn;
- Tên, địa chỉ của doanh nghiệp, hợp tác xã bị yêu cầu mở thủ tục phá sản;
- Tổng số tiền lương và các khoản nợ khác đã đến hạn mà doanh nghiệp, hợp tác xã không trả cho người lao động.
- Kèm theo đơn phải có chứng cứ để chứng minh lương và các khoản nợ khác đến hạn.
Công đoàn cơ sở có được tham gia Hội nghị chủ nợ không?
Căn cứ tại Điều 77 Luật Phá sản 2014 quy định về quyền tham gia Hội nghị chủ nợ như sau:
Quyền tham gia Hội nghị chủ nợ
Những người sau đây có quyền tham gia Hội nghị chủ nợ:
1. Chủ nợ có tên trong danh sách chủ nợ. Chủ nợ có thể ủy quyền bằng văn bản cho người khác tham gia Hội nghị chủ nợ và người được ủy quyền có quyền, nghĩa vụ như chủ nợ;
2. Đại diện cho người lao động, đại diện công đoàn được người lao động ủy quyền; trường hợp này đại diện cho người lao động, đại diện công đoàn có quyền, nghĩa vụ như chủ nợ;
3. Người bảo lãnh sau khi đã trả nợ thay cho doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán; trường hợp này người bảo lãnh trở thành chủ nợ không có bảo đảm.
Như vậy, theo quy định trên, đại diện công đoàn cơ sở được tham gia Hội nghị chủ nợ khi có sự ủy quyền của người lao động.
Doanh nghiệp phá sản có phải thanh toán trợ cấp thôi việc cho người lao động không?
Tại khoản 2 Điều 48 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Trách nhiệm khi chấm dứt hợp đồng lao động
...
2. Tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thôi việc và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động được ưu tiên thanh toán trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị chấm dứt hoạt động, bị giải thể, phá sản.
...
Bên cạnh đó, thứ tự ưu tiên thanh toán khi doanh nghiệp phá sản được liệt kê cụ thể tại khoản 1 Điều 54 Luật Phá sản 2014 như sau:
- Chi phí phá sản;
- Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết;
- Khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã;
- Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ.
Như vậy, các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động sẽ được ưu tiên thanh toán đầu tiên chỉ sau chi phí phá sản. Điều này nhằm bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Trân trọng!
Lê Gia Điền