Có những phương thức nào để đào tạo trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non?
Các hình thức đào tạo trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non?
Điều 4 Quy chế đào tạo trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non ban hành kèm theo Thông tư 07/2023/TT-BGDĐT quy định các hình thức đào tạo trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non như sau:
Hình thức đào tạo
1. Đào tạo chính quy
a) Các hoạt động giảng dạy được thực hiện tại cơ sở đào tạo, riêng những hoạt động thực hành, thực tập, trải nghiệm thực tế và giảng dạy trực tuyến có thể thực hiện ngoài cơ sở đào tạo;
b) Thời gian tổ chức hoạt động giảng dạy trong khoảng từ 06 giờ đến 20 giờ các ngày trong tuần từ thứ 2 đến thứ 7; thời gian tổ chức những hoạt động đặc thù của chương trình đào tạo được thực hiện theo quy định của cơ sở đào tạo.
2. Đào tạo vừa làm vừa học
a) Các hoạt động giảng dạy được thực hiện tại cơ sở đào tạo hoặc tại cơ sở phối hợp đào tạo theo quy định liên kết đào tạo tại Điều 5 của Quy chế này, riêng những hoạt động thực hành, thực tập, trải nghiệm thực tế và giảng dạy trực tuyến có thể thực hiện ngoài cơ sở đào tạo, cơ sở phối hợp đào tạo;
b) Thời gian tổ chức hoạt động giảng dạy linh hoạt trong ngày và trong tuần.
Theo quy định nêu trên, có 02 hình thức đào tạo trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non là đào tạo chính quy và đào tạo vừa làm vừa học.
Có những phương thức nào để đào tạo trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non? (Hình từ Internet)
Có những phương thức nào để đào tạo trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non?
Căn cứ quy định tại Điều 3 Quy chế đào tạo trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non ban hành kèm theo Thông tư 07/2023/TT-BGDĐT, việc đào tạo trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non được thực hiện dưới 02 phương thức như sau:
Đào tạo theo niên chế
- Là phương thức tổ chức đào tạo theo lớp học tương đối cố định đối với tất cả các học phần bắt buộc của chương trình đào tạo trong toàn khoá học, cho phép sinh viên cùng lớp thực hiện theo kế hoạch học tập chuẩn và theo một thời khóa biểu chung trừ những học phần tự chọn hoặc học lại;
- Sinh viên được đánh giá đạt tiến độ học tập bình thường sẽ được học tiếp năm sau theo kế hoạch học tập chuẩn và đăng ký học lại những học phần chưa đạt theo quy định trong chương trình đào tạo;
- Sinh viên được đánh giá không đạt tiến độ học tập bình thường sẽ phải học cùng sinh viên khóa sau để học lại các học phần chưa đạt theo quy định trong chương trình đào tạo.
Đào tạo theo tín chỉ
- Là phương thức tổ chức đào tạo theo từng lớp học phần, cho phép sinh viên tích lũy tín chỉ của từng học phần và thực hiện chương trình đào tạo theo kế hoạch học tập của cá nhân, phù hợp với kế hoạch giảng dạy của cơ sở đào tạo;
- Sinh viên không đạt học phần bắt buộc sẽ phải học lại học phần đó hoặc học một học phần tương đương theo quy định trong chương trình đào tạo, hoặc học một học phần thay thế nếu học phần đó không còn được giảng dạy;
- Sinh viên không đạt một học phần tự chọn sẽ phải học lại học phần đó hoặc có thể chọn học một học phần tự chọn khác theo quy định trong chương trình đào tạo.
Thêm vào đó, cơ sở đào tạo có thể lựa chọn, áp dụng phương thức tổ chức đào tạo như:
+ Đào tạo theo tín chỉ, áp dụng thống nhất cho tất cả các khóa và hình thức đào tạo;
+ Đào tạo theo niên chế, áp dụng thống nhất cho tất cả các khóa và hình thức đào tạo;
+ Áp dụng đào tạo theo tín chỉ cho một số khóa hoặc cho một hình thức đào tạo; áp dụng đào tạo theo niên chế cho một số khóa khác hoặc hình thức đào tạo còn lại.
Tổ chức đăng ký học tập cho sinh viên trong đào tạo trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non được thực hiện như thế nào?
Điều 7 Quy chế đào tạo trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non ban hành kèm theo Thông tư 07/2023/TT-BGDĐT quy định về việc tổ chức đăng ký học tập cho sinh viên trong đào tạo trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non như sau:
Tổ chức đăng ký học tập
1. Trước khi bắt đầu mỗi học kỳ, cơ sở đào tạo hướng dẫn cho sinh viên đăng ký học tập trên hệ thống đăng ký học tập của cơ sở đào tạo.
2. Sinh viên học theo tín chỉ phải đăng ký lớp của các học phần dự định sẽ học trong học kỳ, gồm: những học phần mới, một số học phần chưa đạt (để học lại) và một số học phần đã đạt (để cải thiện điểm, nếu có) căn cứ danh sách học phần được mở và điều kiện đăng ký của mỗi học phần.
3. Sinh viên học theo niên chế đăng ký học lại những học phần chưa đạt dự định sẽ học trong học kỳ, đăng ký học cải thiện điểm hoặc đăng ký học những học phần tự chọn theo quy định của chương trình đào tạo.
4. Quy chế của cơ sở đào tạo quy định quy trình, thủ tục, tổ chức quản lý, lưu trữ việc đăng ký học tập của sinh viên ở mỗi học kỳ, việc rút bớt học phần đã đăng ký; quy định cụ thể giới hạn khối lượng học tập của sinh viên trong mỗi học kỳ nằm trong khung như sau:
a) Khối lượng tối thiểu không ít hơn 2/3 khối lượng trung bình một học kỳ theo kế hoạch học tập chuẩn;
b) Khối lượng tối đa không vượt quá 3/2 khối lượng trung bình một học kỳ theo kế hoạch học tập chuẩn.
Theo quy định nêu trên, việc tổ chức đăng ký học tập về cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non do cơ sở đào tạo thực hiện trước khi bắt đầu mỗi học kỳ. Việc tổ chức đăng ký học tập được thực hiện như sau:
- Sinh viên học theo tín chỉ phải đăng ký lớp của các học phần dự định sẽ học trong học kỳ, gồm:
+ Những học phần mới;
+ Một số học phần chưa đạt (để học lại)
+ Một số học phần đã đạt (để cải thiện điểm, nếu có) căn cứ danh sách học phần được mở và điều kiện đăng ký của mỗi học phần.
- Sinh viên học theo niên chế đăng ký học lại những học phần chưa đạt dự định sẽ học trong học kỳ, đăng ký học cải thiện điểm hoặc đăng ký học những học phần tự chọn theo quy định của chương trình đào tạo.
*Lưu ý: Thông tư 07/2023/TT-BGDĐT có hiệu lực kể từ ngày 25/5/2023.
Trân trọng!
Trần Thúy Nhàn