Quy chế đào tạo trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non áp dụng từ 25/5/2023?
Quy chế đào tạo trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non áp dụng từ 25/5/2023?
Ngày 10 tháng 04 năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế đào tạo trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non tại Thông tư 07/2023/TT-BGDĐT.
Quy chế đào tạo trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non áp dụng đối với các khóa tuyển sinh sau ngày 25 tháng 5 năm 2023.
Quy chế thể hiện các quy định cụ thể về việc đào tạo trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non bao gồm như sau:
- Chương trình đào tạo và thời gian học tập, phương thức tổ chức đào tạo, hình thức đào tạo, liên kết đào tạo;
- Lập kế hoạch và tổ chức dạy học;
- Đánh giá kết quả học tập và cấp bằng tốt nghiệp;
- Những quy định khác đối với sinh viên.
Quy chế áp dụng đối với trường cao đẳng sư phạm, trường cao đẳng và cơ sở giáo dục đại học được phép đào tạo trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Quy chế đào tạo trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non áp dụng từ 25/5/2023? (Hình từ Internet)
Chương trình đào tạo trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non được quy định như thế nào?
Căn cứ quy định tại Điều 2 Quy chế đào tạo trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non ban hành kèm theo Thông tư 07/2023/TT-BGDĐT quy định về chương trình đào tạo và thời gian học tập của Chương trình đào tạo trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non như sau:
- Nội dung, chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo áp dụng chung đối với các hình thức đào tạo, phương thức tổ chức đào tạo và đối tượng sinh viên khác nhau. Đối với người đã tốt nghiệp trình độ khác hoặc ngành khác, khối lượng học tập thực tế được xác định trên cơ sở công nhận, hoặc chuyển đổi tín chỉ đã tích lũy và miễn trừ học phần trong chương trình đào tạo trước.
- Chương trình đào tạo phải được công khai đối với sinh viên trước khi tuyển sinh và khi bắt đầu khóa học; những thay đổi, điều chỉnh liên quan đến chương trình đào tạo được thực hiện theo quy định hiện hành và công bố trước khi áp dụng, không gây tác động bất lợi cho sinh viên.
- Đối với mỗi hình thức đào tạo, chương trình đào tạo cần cung cấp kế hoạch học tập chuẩn toàn khóa để định hướng cho sinh viên.
+ Thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khoá đối với hình thức đào tạo chính quy phải phù hợp với thời gian quy định trong Luật Giáo dục nghề nghiệp, đồng thời bảo đảm đa số sinh viên hoàn thành chương trình đào tạo;
+ Thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khóa đối với hình thức đào tạo vừa làm vừa học dài hơn tối thiểu 20% so với hình thức đào tạo chính quy của cùng chương trình đào tạo.
Thời gian học tập trong đào tạo trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non?
Khoản 5 Điều 2 Quy chế đào tạo trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non ban hành kèm theo Thông tư 07/2023/TT-BGDĐT quy định về thời gian đào tạo trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non như sau:
Chương trình đào tạo và thời gian học tập
...
5. Thời gian học tập
Thời gian tối đa để sinh viên hoàn thành khoá học được quy định trong quy chế của cơ sở đào tạo, nhưng không vượt quá 02 lần thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khoá đối với mỗi hình thức đào tạo. Đối với sinh viên đăng ký học để nhận thêm một bằng tốt nghiệp cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non đã được miễn trừ khối lượng tín chỉ tích lũy, thời gian tối đa để sinh viên hoàn thành khóa học được xác định trên cơ sở thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khóa giảm tương ứng với khối lượng được miễn trừ.
Theo quy định nêu trên, thời gian học tập trong đào tạo trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non được thực hiện theo quy chế của cơ sở đào tạo, nhưng không vượt quá 02 lần thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khoá đối với mỗi hình thức đào tạo.
Đối với sinh viên đăng ký học để nhận thêm một bằng tốt nghiệp cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non đã được miễn trừ khối lượng tín chỉ tích lũy, thời gian tối đa để sinh viên hoàn thành khóa học được xác định trên cơ sở thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khóa giảm tương ứng với khối lượng được miễn trừ.
*Lưu ý: Thông tư 07/2023/TT-BGDĐT có hiệu lực kể từ ngày 25/5/2023.
Trân trọng!
Trần Thúy Nhàn