Nhà hàng xóm nuôi quá nhiều chó mèo có bị xử lý vi phạm không?

Nhà hàng xóm nuôi quá nhiều chó mèo có bị xử lý vi phạm không? Mức phạt nào cho nhà hàng xóm nuôi quá nhiều chó mèo?

Nhà hàng xóm nuôi quá nhiều chó mèo có bị phạt không?

Căn cứ tại Điều 66 Luật Chăn nuôi 2018 quy định:

Quản lý nuôi chó, mèo
Chủ nuôi chó, mèo phải thực hiện các yêu cầu sau đây:
1. Thực hiện tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo theo quy định của pháp luật về thú y;
2. Khi nghi ngờ chó, mèo có triệu chứng bệnh dại phải báo ngay cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cán bộ chăn nuôi, thú y cơ sở và thực hiện xử lý theo quy định của pháp luật về thú y;
3. Có biện pháp bảo đảm an toàn cho người và vật nuôi khác, giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y;
4. Trường hợp chó, mèo tấn công, gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Như vậy, khi nhà hàng xóm nuôi chó, mèo phải thực hiện tiêm phòng cho chó mèo nhằm kiểm soát được bệnh dại, khi nuôi phải đảm bảo an toàn cho con người, vật nuôi, giữ gìn vệ sinh môi trường và đảm bảo điều kiện về vệ sinh thú y. Tuy nhiên chưa có quy định về mật độ nuôi chó mèo cho từng hộ gia đình.

Trường hợp nhà hàng xóm nuôi quá nhiều chó mèo gây ô nhiễm môi trường sống và ô nhiễm tiếng ồn trong khu dân cư, người dân có thể thực hiện trình báo về hành vi của nhà hàng xóm gây ảnh hưởng đến môi trường sinh hoạt khu dân cư.

Nhà hàng xóm nuôi quá nhiều chó mèo có bị xử lý vi phạm không?

Nhà hàng xóm nuôi quá nhiều chó mèo có bị xử lý vi phạm không? (Hình từ Internet)

Mức phạt nào cho nhà hàng xóm nuôi quá nhiều chó mèo?

Vì chưa có quy định về mật độ nuôi chó mèo cho từng hộ gia đình nên không thể xử phạt về hành vi nuôi nhiều chó mèo. Người dân bị ảnh hưởng về vệ sinh và tiếng ồn trong khu dân cư khi nhà hàng xóm nuôi quá nhiều chó mèo có thể trình báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết.

Căn cứ tại Điều 60 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định:

Bảo vệ môi trường đối với hộ gia đình, cá nhân
1. Hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm sau đây:
...
b) Giảm thiểu, xử lý và xả nước thải sinh hoạt đúng nơi quy định; không để vật nuôi gây mất vệ sinh trong khu dân cư;
...

Căn cứ theo Điều 8 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định:

Vi phạm quy định về bảo đảm sự yên tĩnh chung
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau;
...

Căn cứ theo Điều 163 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định:

Khiếu nại, tố cáo về môi trường
1. Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại về hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
2. Cá nhân có quyền tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường với cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố cáo.

Như vậy, khi nhà hàng xóm có hành vi để vật nuôi gây mất vệ sinh trong khu dân cư và có gây ồn ào vì số lượng chó mèo quá đông, làm xáo trộn sinh hoạt của cộng đồng dân cư. Người dân bị ảnh hưởng có thể làm đơn tố cáo hành vi vi phạm về ô nhiễm môi trường và ô nhiễm tiếng ồn đối với nhà hàng xóm có vi phạm.

Sau khi xác minh, lập biên bản vi phạm hành chính; người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính căn cứ vào mức độ vi phạm; các tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ trách nhiệm để ra quyết định hình phạt, mức phạt cụ thể. Hình thức xử phạt bao gồm: Cảnh cáo; hoặc phạt tiền với mức tiền phạt là từ 500.000 đồng đến 01 triệu đồng.

Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm khi nhà hàng xóm nuôi nhiều chó mèo?

Căn cứ tại Điều 68 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định:

Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình; đến 4.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ và lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 02 lần mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản này;
d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a và c khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
...

Căn cứ tại Điều 69 Nghị định 144/2021/NĐ-CP bao gồm:

Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Công an nhân dân
1. Chiến sĩ Công an nhân dân đang thi hành công vụ có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 300.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình; đến 400.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; đến 500.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ và lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội.
2. Thủ trưởng đơn vị Cảnh sát cơ động cấp đại đội, Trưởng trạm, Đội trưởng của người được quy định tại khoản 1 Điều này có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 900.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình; đến 1.200.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; đến 1.500.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ và lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội.
3. Trưởng Công an cấp xã, Trưởng đồn Công an, Trưởng trạm Công an cửa khẩu, khu chế xuất, Trưởng Công an cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động, Thủy đội trưởng có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 1.500.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình; đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; đến 2.500.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ và lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 02 lần mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản này;
d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a và c khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Như vậy, thẩm quyền xử phạt về vi phạm hành chính trong lĩnh vực ô nhiễm môi trường bao gồm:

– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã;

– Thủ trưởng đơn vị Cảnh sát cơ động cấp đại đội; Đội trưởng của chiến sĩ công an nhân dân đang thi hành nhiệm vụ;

– Trưởng Công an cấp xã, Trưởng đồn Công an;

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Xử phạt vi phạm hành chính

Đào Phương Nga

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào