Ai có quyền miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm nhân dân? Hội thẩm nhân dân có nhiệm kỳ bao nhiêu năm?
Ai có quyền miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm nhân dân?
Tại Điều 86 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 có quy định về thủ tục bầu, cử, miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm như sau:
Thủ tục bầu, cử, miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm
1. Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương đề xuất nhu cầu về số lượng, cơ cấu thành phần Hội thẩm đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp lựa chọn và giới thiệu người đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 85 của Luật này để Hội đồng nhân dân có thẩm quyền theo luật định bầu Hội thẩm nhân dân;
Chánh án Tòa án nhân dân sau khi thống nhất với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp đề nghị Hội đồng nhân dân miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm nhân dân.
2. Hội thẩm quân nhân Tòa án quân sự quân khu và tương đương do Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cử theo sự giới thiệu của cơ quan chính trị quân khu, quân đoàn, quân chủng, tổng cục hoặc cấp tương đương.
Chánh án Tòa án quân sự quân khu và tương đương sau khi thống nhất với cơ quan chính trị quân khu, quân đoàn, quân chủng, tổng cục hoặc cấp tương đương đề nghị Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm quân nhân Tòa án quân sự quân khu và tương đương.
3. Hội thẩm quân nhân Tòa án quân sự khu vực do Chính ủy quân khu, quân đoàn, quân chủng, tổng cục hoặc cấp tương đương cử theo sự giới thiệu của cơ quan chính trị sư đoàn hoặc cấp tương đương.
Chánh án Tòa án quân sự khu vực sau khi thống nhất với cơ quan chính trị sư đoàn hoặc cấp tương đương đề nghị Chính ủy quân khu, quân đoàn, quân chủng, tổng cục hoặc cấp tương đương miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm quân nhân Tòa án quân sự khu vực.
Như vậy, chánh án Tòa án nhân dân sau khi thống nhất với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp đề nghị Hội đồng nhân dân miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm nhân dân.
Ai có quyền miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm nhân dân? Hội thẩm nhân dân có nhiệm kỳ bao nhiêu năm? (Hình từ Internet)
Hội thẩm nhân dân có nhiệm kỳ bao nhiêu năm?
Tại Điều 87 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 có quy định về nhiệm kỳ của Hội thẩm nhân dân như sau:
Nhiệm kỳ của Hội thẩm
1. Nhiệm kỳ của Hội thẩm nhân dân theo nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân đã bầu ra Hội thẩm nhân dân.
Khi Hội đồng nhân dân hết nhiệm kỳ, Hội thẩm nhân dân tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Hội đồng nhân dân khóa mới bầu ra Hội thẩm nhân dân mới.
2. Nhiệm kỳ của Hội thẩm quân nhân là 05 năm, kể từ ngày được cử.
Như vậy, nhiệm kỳ của Hội thẩm nhân dân theo nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân đã bầu ra Hội thẩm nhân dân.
Nhiệm vụ của Hội thẩm nhân dân là gì?
Tại Điều 84 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 có quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội thẩm như sau:
Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội thẩm
1. Hội thẩm Tòa án nhân dân gồm có:
a) Hội thẩm nhân dân;
b) Hội thẩm quân nhân.
2. Hội thẩm nhân dân thực hiện nhiệm vụ xét xử những vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân theo phân công của Chánh án Tòa án nơi được bầu làm Hội thẩm nhân dân.
3. Hội thẩm quân nhân thực hiện nhiệm vụ xét xử những vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án quân sự theo phân công của Chánh án Tòa án nơi mình được cử làm Hội thẩm quân nhân.
4. Hội thẩm có nghĩa vụ thực hiện sự phân công của Chánh án Tòa án, trường hợp không thực hiện được thì phải nêu rõ lý do.
5. Trong 01 năm công tác mà Hội thẩm không được Chánh án Tòa án phân công làm nhiệm vụ xét xử thì có quyền yêu cầu Chánh án Tòa án cho biết lý do.
Như vậy, nhiệm vụ của Hội thẩm nhân dân là thực hiện nhiệm vụ xét xử những vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân theo phân công của Chánh án Tòa án.
Hội thẩm nhân dân có những trách nhiệm gì?
Theo Điều 89 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 hội thẩm nhân dân có nhưng trách nhiệm như sau:
- Trung thành với Tổ quốc, gương mẫu chấp hành Hiến pháp và pháp luật.
- Tham gia xét xử theo sự phân công của Chánh án Tòa án mà không được từ chối, trừ trường hợp có lý do chính đáng hoặc do luật tố tụng quy định.
- Độc lập, vô tư, khách quan trong xét xử, góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân.
- Tôn trọng nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân.
- Giữ bí mật nhà nước và bí mật công tác theo quy định của pháp luật.
- Tích cực học tập để nâng cao kiến thức pháp luật và nghiệp vụ xét xử.
- Chấp hành nội quy, quy chế của Tòa án.
- Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình; nếu có hành vi vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật bãi nhiệm hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật.
Trân trọng!
Mạc Duy Văn