Quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh, doanh nghiệp có thể bị phạt tiền lên đến 60.000.000 đồng?

Cho tôi hỏi: Mức phạt tiền với doanh nghiệp có hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh là bao nhiêu? Mong được giải đáp.

Việc thực hiện quảng cáo thực phẩm phải tuân thủ những nguyên tắc nào?

Điều 5 Nghị định 181/2013/NĐ-CP quy định về quảng cáo thực phẩm chức năng như sau:

Quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm
1. Nội dung quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm phải phù hợp với Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc Giấy xác nhận phù hợp quy định an toàn thực phẩm.
2. Quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm phải có các nội dung sau đây:
a) Tên thực phẩm, phụ gia thực phẩm;
b) Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường.
3. Quảng cáo thực phẩm chức năng phải thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều này và các nội dung sau đây:
a) Tác dụng chính và các tác dụng phụ (nếu có);
b) Khuyến cáo “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.
4. Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.
5. Quảng cáo thực phẩm chức năng trên báo nói, báo hình phải đọc rõ ràng nội dung quy định tại Điểm a Khoản 2 và Khoản 3 Điều này.

Theo quy định nêu trên, việc quảng cáo thực phẩm phải tuân thủ những nguyên tắc sau:

- Nội dung quảng cáo thực phẩm phải phù hợp với Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc Giấy xác nhận phù hợp quy định an toàn thực phẩm.

- Quảng cáo thực phẩm phải có các nội dung sau đây:

+ Tên thực phẩm, phụ gia thực phẩm;

+ Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường.

- Quảng cáo thực phẩm chức năng phải thực hiện theo quy định về nội dung quảng cáo và các nội dung sau đây:

+ Tác dụng chính và các tác dụng phụ (nếu có);

+ Khuyến cáo Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.

- Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.

- Quảng cáo thực phẩm chức năng trên báo nói, báo hình phải đọc rõ ràng nội dung:

+ Tên thực phẩm, phụ gia thực phẩm;

+ Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường.

+ Tác dụng chính và các tác dụng phụ (nếu có);

+ Khuyến cáo Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.

Quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh, doanh nghiệp có thể bị phạt tiền lên đến 30.000.000 đồng?

Quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh, doanh nghiệp có thể bị phạt tiền lên đến 60.000.000 đồng? (Hình từ Internet)

Mức phạt tiền với doanh nghiệp có hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh là bao nhiêu?

Điểm b khoản 4 Điều 52 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền với doanh nghiệp có hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh như sau:

Vi phạm các quy định về quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm
...
c) Quảng cáo trên các thiết bị điện tử tại nơi công cộng; phát tán hoặc thuyết trình tại hội chợ, hội thảo, hội nghị, triển lãm các sản phẩm in, ghi âm, ghi hình, thiết bị lưu chứa dữ liệu giới thiệu thực phẩm không đúng với hồ sơ công bố hợp quy hoặc hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm hoặc hồ sơ tự công bố sản phẩm hoặc hồ sơ đăng ký xác nhận nội dung quảng cáo.
3. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức hội chợ, hội thảo, hội nghị, triển lãm có phát tán hoặc thuyết trình các sản phẩm in, ghi âm, ghi hình, thiết bị lưu chứa dữ liệu giới thiệu sản phẩm thực phẩm, phụ gia thực phẩm không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung theo quy định.
4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Quảng cáo sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn, lời cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế;
b) Quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh;
c) Quảng cáo thực phẩm có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh.
5. Hình thức xử phạt bổ sung:
...

Khoản 2 và khoản 3 Điều 5 Nghị định 38/2021/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Nghị định 128/2022/NĐ-CP quy định như sau:

Quy định về mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức
...
2. Mức phạt tiền quy định tại Chương II và Chương III Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân, trừ trường hợp quy định tại các khoản 2, 5, 6 và 7 Điều 10; các khoản 4, 5, 6 và 7 Điều 10a; điểm a khoản 2, các khoản 3, 5 và 6, các điểm a, b, c và d khoản 7 Điều 14; các khoản 1, 2, 3, 4 và điểm b khoản 5 Điều 21; các khoản 1, 2, 3, 4 và điểm b khoản 5 Điều 23; khoản 1 Điều 24; các Điều 30, 38, 39 và 40 Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với tổ chức.
3. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
...

Theo quy định nêu trên, mức phạt vi phạm hành chính với với doanh nghiệp có hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh là từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng.

Doanh nghiệp có bị tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm khi thực hiện hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh không?

Khoản 5 Điều 52 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định về hình thức xử phạt bổ sung với hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh như sau:

Vi phạm các quy định về quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm
...
4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Quảng cáo sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn, lời cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế;
b) Quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh;
c) Quảng cáo thực phẩm có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh.
5. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 01 đến 03 tháng đối với vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này trong trường hợp vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe từ 02 lần trở lên trong thời hạn 06 tháng;
b) Tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 03 tháng đến 05 tháng; tước quyền sử dụng Giấy xác nhận nội dung quảng cáo từ 20 tháng đến 24 tháng đối với vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này trong trường hợp vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe từ 02 lần trở lên trong thời hạn 06 tháng.
6. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc cải chính thông tin đối với hành vi quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 và khoản 4 Điều này;
b) Buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm in, tạp chí in quảng cáo đối với hành vi quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 và khoản 4 Điều này;
c) Buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại điểm c khoản 2 và khoản 3 Điều này.

Theo đó, doanh nghiệp có hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh có thể bị tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 03 tháng đến 05 tháng;

Trường hợp vi phạm từ 02 lần trở lên thời hạn tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm là 06 tháng.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Quảng cáo thực phẩm chức năng

Trần Thúy Nhàn

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào