Doanh nghiệp quảng cáo mỹ phẩm có nội dung về công dụng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc thì bị xử phạt hành chính bao nhiêu tiền?

Cho tôi hỏi: Doanh nghiệp quảng cáo mỹ phẩm có nội dung về công dụng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc thì bị xử phạt hành chính như thế nào? Mong được tư vấn

Các nội dung nào cần phải có trong quảng cáo mỹ phẩm?

Khoản 2 Điều 4 Nghị định 181/2013/NĐ-CP quy định về các nội dung phải có trong quảng cáo mỹ phẩm như sau:

Quảng cáo mỹ phẩm
1. Nội dung quảng cáo mỹ phẩm phải phù hợp với các tài liệu sau đây:
a) Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm theo quy định của pháp luật về dược;
b) Tài liệu chứng minh tính an toàn, hiệu quả của mỹ phẩm và tuân thủ theo hướng dẫn về công bố tính năng sản phẩm mỹ phẩm của hiệp hội quốc tế (nếu có).
2. Quảng cáo mỹ phẩm phải có các nội dung sau đây:
a) Tên mỹ phẩm;
b) Tính năng, công dụng của mỹ phẩm;
c) Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường;
d) Các cảnh báo theo quy định của các hiệp định quốc tế .
3. Không được quảng cáo mỹ phẩm gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.
4. Quảng cáo mỹ phẩm trên báo nói, báo hình phải đọc rõ ràng nội dung quy định tại các điểm a, b và d Khoản 2 Điều này.

Theo quy định nêu trên, quảng cáo mỹ phẩm phải có các nội dung như sau:

- Tên mỹ phẩm;

- Tính năng, công dụng của mỹ phẩm;

- Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường;

- Các cảnh báo theo quy định của các hiệp định quốc tế.

Doanh nghiệp quảng cáo mỹ phẩm có nội dung về công dụng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc thì bị xử phạt hành chính như thế nào?

Doanh nghiệp quảng cáo mỹ phẩm có nội dung về công dụng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc thì bị xử phạt hành chính như thế nào? (Hình từ Internet)

Doanh nghiệp quảng cáo mỹ phẩm có nội dung về công dụng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc thì bị xử phạt hành chính bao nhiêu tiền?

Khoản 4 và khoản 5 Điều 51 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính với doanh nghiệp quảng cáo mỹ phẩm có nội dung về công dụng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc như sau:

Vi phạm các quy định về quảng cáo mỹ phẩm
...
3. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Quảng cáo mỹ phẩm có nội dung không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định;
b) Quảng cáo mỹ phẩm chưa được cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm hoặc số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm hết thời hạn;
c) Quảng cáo mỹ phẩm thiếu một trong các nội dung sau: tên mỹ phẩm; tính năng, công dụng chủ yếu của mỹ phẩm trừ trường hợp tính năng, công dụng đã được thể hiện trên tên của sản phẩm; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường; các cảnh báo theo quy định.
4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo mỹ phẩm có tác dụng như thuốc gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc cải chính thông tin đối với hành vi quy định tại điểm a và điểm c khoản 3, khoản 4 Điều này;
b) Buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm in, tạp chí in quảng cáo đối với hành vi quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này.

Khoản 2 và khoản 3 Điều 5 Nghị định 38/2021/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Nghị định 128/2022/NĐ-CP quy định như sau:

Quy định về mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức
...
2. Mức phạt tiền quy định tại Chương II và Chương III Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân, trừ trường hợp quy định tại các khoản 2, 5, 6 và 7 Điều 10; các khoản 4, 5, 6 và 7 Điều 10a; điểm a khoản 2, các khoản 3, 5 và 6, các điểm a, b, c và d khoản 7 Điều 14; các khoản 1, 2, 3, 4 và điểm b khoản 5 Điều 21; các khoản 1, 2, 3, 4 và điểm b khoản 5 Điều 23; khoản 1 Điều 24; các Điều 30, 38, 39 và 40 Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với tổ chức.
3. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
...

Theo quy định nêu trên, doanh nghiệp quảng cáo mỹ phẩm có nội dung về công dụng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng.

Ngoài ra, doanh nghiệp vi phạm còn bị buộc cải chính thông tin và buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm in, tạp chí in quảng cáo đối với hành vi vi phạm.

Giám đốc Công an cấp tỉnh có được thực hiện xử phạt hành chính khi phát hiện doanh nghiệp quảng cáo mỹ phẩm có nội dung về công dụng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc không?

Điểm b khoản 5 Điều 66 Nghị định 38/2021/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 19 Điều 4 Nghị định 129/2021/NĐ-CP quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Giám đốc Công an cấp tỉnh như sau:

Thẩm quyền của Công an nhân dân
...
5. Giám đốc Công an cấp tỉnh có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 25.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa; phạt tiền đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;
đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, đ, i và k khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
...

.Khoản 4 Điều 5 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định như sau:

Quy định về mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức
...
4. Thẩm quyền phạt tiền của các chức danh có thẩm quyền xử phạt quy định tại Chương IV Nghị định này là thẩm quyền áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân; thẩm quyền phạt tiền đối với tổ chức gấp 2 lần thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân.

Theo các quy định nêu trên, Giám đốc Công an cấp tỉnh có quyền thực hiện xử phạt hành chính khi phát hiện doanh nghiệp quảng cáo mỹ phẩm có nội dung về công dụng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Quảng cáo mỹ phẩm

Trần Thúy Nhàn

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào