Doanh nghiệp có hành vi cầm cố giấy phép bưu chính có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép từ 01 tháng đến 03 tháng?
- Doanh nghiệp có hành vi cầm cố giấy phép bưu chính bị xử phạt vi phạm hành chín như thế nào?
- Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp có hành vi cầm cố giấy phép bưu chính là bao lâu?
- Chánh Thanh tra sở có quyền xử phạt vi phạm hành chính với doanh nghiệp có hành vi cầm cố giấy phép bưu chính không?
Doanh nghiệp có hành vi cầm cố giấy phép bưu chính bị xử phạt vi phạm hành chín như thế nào?
Điểm b khoản 4 và điểm a khoản 5 Điều 5 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính với doanh nghiệp có hành vi cầm cố giấy phép bưu chính như sau:
Vi phạm các quy định về Giấy phép bưu chính
...
4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Cung ứng dịch vụ bưu chính nhưng không có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bưu chính;
b) Mua bán, cầm cố Giấy phép bưu chính;
c) Cho thuê, cho mượn Giấy phép bưu chính; chuyển nhượng Giấy phép bưu chính trái pháp luật.
5. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tước quyền sử dụng Giấy phép bưu chính từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 4 Điều này;
b) Đình chỉ hoạt động từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 3 Điều này.
...
Khoản 3 Điều 4 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định như sau:
Quy định về mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức
...
3. Mức phạt tiền quy định từ Chương II đến Chương VII tại Nghị định này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức, trừ quy định tại Điều 106 Nghị định này. Trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm như của tổ chức thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.
Theo các quy định nêu trên, doanh nghiệp có hành vi cầm cố giấy phép bưu chính có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
Ngoài ra, doanh nghiệp có hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép bưu chính từ 01 tháng đến 03 tháng.
Doanh nghiệp có hành vi cầm cố giấy phép bưu chính có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép từ 01 tháng đến 03 tháng? (Hình từ Internet)
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp có hành vi cầm cố giấy phép bưu chính là bao lâu?
Khoản 5 Điều 4 Nghị định 15/2020/NĐ-CP được bổ sung bởi điểm b và c khoản 5 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP quy định về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp có hành vi cầm cố giấy phép bưu chính như sau:
Quy định về mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức
...
5. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính:
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định tại Nghị định này là 01 năm trừ các hành vi vi phạm quy định tại các điểm a và c khoản 1 Điều 9; điểm b khoản 1 Điều 46; các điểm a và b khoản 2, khoản 3 Điều 51; các khoản 2 và 3 Điều 64; khoản 1 Điều 67; các khoản 2 và 3 Điều 68; các khoản 2 và 3 Điều 69; các khoản 2 và 3 Điều 70; điểm b khoản 1 Điều 76 Nghị định này có thời hiệu xử phạt là 02 năm.
Việc xác định hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc, hành vi vi phạm hành chính đang được thực hiện để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được áp dụng theo khoản 1 Điều 8 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2021 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.
...
Theo quy định nêu trên, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp có hành vi cầm cố giấy phép bưu chính là 01 năm.
Chánh Thanh tra sở có quyền xử phạt vi phạm hành chính với doanh nghiệp có hành vi cầm cố giấy phép bưu chính không?
Điểm b khoản 2 Điều 114 Nghị định 15/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 40 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP quy định về thẩm quyền xử phạt hành chính của Chánh Thanh tra sở như sau:
Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Thanh tra
...
2. Chánh Thanh tra sở, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của sở, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Cục Viễn thông, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Cục Tần số vô tuyến điện, Giám đốc Trung tâm Tần số khu vực, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành Trung tâm Tần số khu vực có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 100.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin, an toàn thông tin mạng; phạt tiền đến 40.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, giao dịch điện tử;
c) Tước quyền sử dụng Giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 02 lần mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản này;
đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả.
...
Ngoài ra, khoản 4 Điều 4 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định như sau:
Quy định về mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức
...
4. Thẩm quyền phạt tiền quy định tại Chương VIII Nghị định này là thẩm quyền phạt tiền đối với một hành vi vi phạm của tổ chức; đối với hành vi vi phạm của cá nhân, thẩm quyền phạt tiền bằng 1/2 thẩm quyền phạt tiền đối với tổ chức.
Mức phạt tiền tối đa đối với doanh nghiệp có hành vi cầm cố giấy phép bưu chính là 30.000.000 đồng.
Căn cứ các quy định nêu trên, Chánh Thanh tra sở là chủ thể có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính với doanh nghiệp có hành vi cầm cố giấy phép bưu chính.
Trân trọng!
Trần Thúy Nhàn