Việc xử lý chất thải trong chăn nuôi nông hộ phải đảm bảo các yêu cầu nào? Chủ chăn nuôi nông hộ không có biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi gây ô nhiễm bị phạt bao nhiêu tiền?
Chăn nuôi nông hộ cần phải đáp ứng các yêu cầu nào?
Tại Điều 56 Luật Chăn nuôi 2018 có quy định 03 yêu cầu trong chăn nuôi nông hộ bao gồm:
- Chuồng nuôi phải tách biệt với nơi ở của người;
- Định kỳ vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi;
- Có các biện pháp phù hợp để vệ sinh phòng dịch; thu gom, xử lý phân, nước thải chăn nuôi, xác vật nuôi và chất thải chăn nuôi khác theo quy định của pháp luật về thú y, bảo vệ môi trường.
Chăn nuôi nông hộ được chăn nuôi tối đa bao nhiêu vật nuôi?
Tại Điều 21 Nghị định 13/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 12 Điều 1 Nghị định 46/2022/NĐ-CP có quy định quy mô chăn nuôi nông hộ như sau:
Quy mô chăn nuôi
1. Quy mô chăn nuôi được xác định bằng số đơn vị vật nuôi tại cùng một thời điểm đối với các loại vật nuôi được quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này.
2. Quy mô chăn nuôi được quy định như sau:
a) Chăn nuôi trang trại quy mô lớn: Từ 300 đơn vị vật nuôi trở lên;
b) Chăn nuôi trang trại quy mô vừa: Từ 30 đến dưới 300 đơn vị vật nuôi;
c) Chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ: Từ 10 đến dưới 30 đơn vị vật nuôi;
d) Chăn nuôi nông hộ: Dưới 10 đơn vị vật nuôi.
3. Quản lý quy mô chăn nuôi được quy định như sau:
a) Chăn nuôi trang trại quy mô lớn được quản lý theo quy định tại Điều 23 và Điều 24 Nghị định này;
b) Chăn nuôi trang trại quy mô vừa, quy mô nhỏ phải đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 55 và khoản 2 Điều 57 của Luật Chăn nuôi.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm kiểm tra điều kiện chăn nuôi của cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô vừa, quy mô nhỏ theo các chỉ tiêu quy định tại Bảng nội dung đánh giá điều kiện chăn nuôi kèm theo Mẫu số 04.ĐKCN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này. Tần suất kiểm tra định kỳ là 03 năm một lần; kiểm tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm hoặc khi có tố cáo, khiếu nại về chất lượng sản phẩm chăn nuôi, điều kiện chăn nuôi hoặc theo chỉ đạo của cơ quan quản lý cấp trên.
Trường hợp vi phạm, cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô vừa, quy mô nhỏ phải cam kết khắc phục, bảo đảm điều kiện chăn nuôi trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày bị phát hiện vi phạm và gửi báo cáo kết quả khắc phục đến cơ quan kiểm tra. Cơ quan kiểm tra tiến hành kiểm tra thực tế kết quả khắc phục trong trường hợp cần thiết
c) Chăn nuôi nông hộ phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại Điều 56, khoản 2 Điều 57 của Luật Chăn nuôi.
...
Tại Điều 53 Luật Chăn nuôi 2018 có quy định:
Đơn vị vật nuôi và mật độ chăn nuôi
1. Đơn vị vật nuôi là đơn vị quy đổi của gia súc, gia cầm theo khối lượng sống, không phụ thuộc vào giống, tuổi và giới tính. Mỗi đơn vị vật nuôi tương đương với 500 kg khối lượng vật nuôi sống.
2. Mật độ chăn nuôi được tính bằng tổng số đơn vị vật nuôi trên 01 ha đất nông nghiệp.
3. Việc xác định quy mô chăn nuôi phải căn cứ vào mật độ chăn nuôi.
4. Chính phủ quy định mật độ chăn nuôi cho từng vùng căn cứ vào chiến lược phát triển chăn nuôi, công nghệ chăn nuôi, môi trường sinh thái.
5. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào mật độ chăn nuôi của vùng quy định mật độ chăn nuôi của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Như vậy, pháp luật không quy định cụ thể số lượng vật nuôi tối đa đối với chăn nuôi nông hộ. Tuy nhiên, chăn nuôi nông hộ sẽ có quy mô chăn nuôi dưới 10 đơn vị vật nuôi.
Mỗi đơn vị vật nuôi tương đương với 500 kg khối lượng vật nuôi sống. Từ đó có thể hiểu rằng, mỗi nông hộ khi chăn nuôi sẽ không được chăn nuôi trên 5.000 kg (5 tấn) khối lượng vật nuôi sống.
Việc xử lý chất thải trong chăn nuôi nông hộ phải đảm bảo các yêu cầu nào? Chủ chăn nuôi nông hộ không có biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi gây ô nhiễm bị phạt bao nhiêu tiền? (Hình từ Internet)
Việc xử lý chất thải trong chăn nuôi nông hộ phải đảm bảo các yêu cầu nào?
Tại Điều 60 Luật Chăn nuôi 2018 có quy định các yêu cầu xử lý chất thải trong chăn nuôi nông hộ như sau:
Xử lý chất thải trong chăn nuôi nông hộ
Chủ chăn nuôi nông hộ phải thực hiện các yêu cầu sau đây:
1. Có biện pháp xử lý phân, nước thải, khí thải chăn nuôi bảo đảm vệ sinh môi trường và không gây ảnh hưởng đến người xung quanh;
2. Vật nuôi chết vì dịch bệnh và chất thải nguy hại khác phải được xử lý theo quy định của pháp luật về thú y, bảo vệ môi trường.
Như vậy, việc xử lý chất thải trong chăn nuôi nông hộ phải đảm bảo các yêu cầu bao gồm:
- Có biện pháp xử lý phân, nước thải, khí thải chăn nuôi bảo đảm vệ sinh môi trường và không gây ảnh hưởng đến người xung quanh;
- Vật nuôi chết vì dịch bệnh và chất thải nguy hại khác phải được xử lý theo quy định của pháp luật về thú y, bảo vệ môi trường.
Chủ chăn nuôi nông hộ không có biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi gây ô nhiễm bị phạt bao nhiêu tiền?
Tại Điều 31 Nghị định 14/2021/NĐ-CP có quy định hành vi vi phạm về xử lý chất thải chăn nuôi nông hộ như sau:
Vi phạm quy định về xử lý chất thải chăn nuôi nông hộ
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không có biện pháp xử lý phân, nước thải chăn nuôi bảo đảm vệ sinh môi trường và gây ảnh hưởng đến người xung quanh.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả
Buộc phải thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả khắc phục trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.
Tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 14/2021/NĐ-CP có quy định có quy định mức tiền đối với cá nhân, tổ chức như sau:
Quy định về mức phạt tiền, thẩm quyền xử phạt
1. Mức phạt tiền tối đa cho một hành vi vi phạm hành chính về chăn nuôi theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
2. Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt tiền được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
3. Thẩm quyền xử phạt của các chức danh quy định tại Chương III Nghị định này là thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Trong trường hợp phạt tiền, thẩm quyền xử phạt đối với tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền xử phạt đối với cá nhân.
Như vậy, chủ chăn nuôi nông hộ là cá nhân không có biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi gây ô nhiễm bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Đối với tổ chức nếu có hành vi vi phạm sẽ có mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt cá nhân.
Đồng thời buộc phải thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả khắc phục trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm.
Trân trọng!
Lương Thị Tâm Như