Văn phòng giám định tư pháp được hoạt động theo loại hình doanh nghiệp nào? Cán bộ, công chức viên chức có được thành lập Văn phòng giám định tư pháp không?

Tôi là cán bộ thì có được thành lập văn phòng giám định tư pháp không? Văn phòng được hoạt động theo những loại hình doanh nghiệp nào? Mong được giải đáp.

Văn phòng giám định tư pháp được hoạt động theo loại hình doanh nghiệp nào?

Căn cứ tại khoản 2 Điều 14 Luật Giám định tư pháp 2012 có quy định về Văn phòng giám định tư pháp như sau:

Văn phòng giám định tư pháp
1. Văn phòng giám định tư pháp là tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập, được thành lập trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng, cổ vật, di vật, bản quyền tác giả.
2. Văn phòng giám định tư pháp do 01 giám định viên tư pháp thành lập thì được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân. Văn phòng giám định tư pháp do 02 giám định viên tư pháp trở lên thành lập thì được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh.
Người đại diện theo pháp luật của Văn phòng giám định tư pháp là Trưởng văn phòng. Trưởng văn phòng giám định tư pháp phải là giám định viên tư pháp.

Như vậy, văn phòng giám định tư pháp được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp sau:

- Văn phòng giám định tư pháp do 01 giám định viên tư pháp thành lập thì được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân.

- Văn phòng giám định tư pháp do 02 giám định viên tư pháp trở lên thành lập thì được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh.

Cán bộ, công chức viên chức có được thành lập Văn phòng giám định tư pháp không?

Căn cứ tại khoản 2 Điều 15 Luật Giám định tư pháp 2012 có quy định về điều kiện thành lập Văn phòng giám định tư pháp như sau:

Điều kiện thành lập Văn phòng giám định tư pháp
...
2. Cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng không được thành lập Văn phòng giám định tư pháp.

Như vậy, cán bộ, công chức viên chức không được thành lập Văn phòng giám định tư pháp.

Văn phòng giám định tư pháp được hoạt động theo loại hình doanh nghiệp nào? Cán bộ, công chức viên chức có được thành lập Văn phòng giám định tư pháp không?

Văn phòng giám định tư pháp được hoạt động theo loại hình doanh nghiệp nào? Cán bộ, công chức viên chức có được thành lập Văn phòng giám định tư pháp không? (Hình từ Internet)

Thực hiện giám định tư pháp trong trường hợp phải từ chối giám định thì bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?

Căn cứ tại khoản 2 Điều 11 Luật Giám định tư pháp 2012 được sửa đổi bởi khoản 7 Điều 1 Luật Giám định tư pháp sửa đổi 2020 có quy định về quyền và nghĩa vụ của giám định viên tư pháp như sau:

Quyền và nghĩa vụ của giám định viên tư pháp
...
2. Từ chối giám định trong trường hợp nội dung trưng cầu, yêu cầu giám định không phù hợp với phạm vi chuyên môn hoặc không có đủ năng lực, điều kiện cần thiết cho việc thực hiện giám định; đối tượng giám định, tài liệu liên quan được cung cấp không đầy đủ hoặc không có giá trị để kết luận giám định tư pháp sau khi đã đề nghị người trưng cầu, người yêu cầu giám định bổ sung, làm rõ nhưng không được đáp ứng; thời gian không đủ để thực hiện giám định; tính độc lập, khách quan của việc thực hiện giám định không được bảo đảm. Trường hợp từ chối giám định thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định trưng cầu hoặc yêu cầu giám định, phải thông báo cho người trưng cầu, người yêu cầu giám định bằng văn bản và nêu rõ lý do

Căn cứ tại điểm đ khoản 3 Điều 20 Nghị định 82/2020/NĐ-CP có quy định về xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động giám định tư pháp như sau:

Hành vi vi phạm quy định về hoạt động giám định tư pháp
...
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Lợi dụng việc giám định để trục lợi;
b) Tiết lộ bí mật thông tin mà mình biết được khi tiến hành giám định;
c) Từ chối đưa ra kết luận giám định mà không có lý do chính đáng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
d) Kết luận giám định sai sự thật mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
đ) Thực hiện giám định trong trường hợp phải từ chối giám định theo quy định của pháp luật;
e) Ghi nhận không trung thực kết quả trong quá trình giám định mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
...
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng xem xét việc sử dụng kết luận giám định khi phát hiện vi phạm làm ảnh hưởng đến nội dung kết luận giám định đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, đ, e, g và i khoản 2, các điểm d, đ và e khoản 3 Điều này;

Và tại khoản 4 Điều 4 Nghị định 82/2020/NĐ-CP có quy định vê mức phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức như sau:

Quy định về mức phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức
...
4. Mức phạt tiền quy định tại các Chương II, III, IV, V, VI và VII Nghị định này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, trừ các điều quy định tại khoản 5 Điều này. Trường hợp tổ chức có hành vi vi phạm hành chính như của cá nhân thì mức phạt tiền bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
...

Như vậy, hành vi thực hiện giám định trong trường hợp phải từ chối giám định thì bị xử phạt vi phạm hành chính như sau:

- Phạt tiền từ từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với cá nhân và 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với tổ chức.

- Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: kiến nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng xem xét việc sử dụng kết luận giám định khi phát hiện vi phạm làm ảnh hưởng đến nội dung kết luận giám định.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Văn phòng giám định tư pháp

Võ Ngọc Trúc Quỳnh

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào