Bao nhiêu tuổi được thi bằng lái xe máy? Lái xe máy khi chưa đủ tuổi bị xử phạt như thế nào?
Bao nhiêu tuổi được thi bằng lái xe máy?
Căn cứ khoản 2 Điều 59 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định giấy phép lái xe như sau:
Giấy phép lái xe
...
2. Giấy phép lái xe không thời hạn bao gồm các hạng sau đây:
a) Hạng A1 cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 đến dưới 175 cm3;
b) Hạng A2 cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh từ 175 cm3 trở lên và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1;
c) Hạng A3 cấp cho người lái xe mô tô ba bánh, các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1 và các xe tương tự.
Hiện nay, bằng lái xe máy có 02 hạng: A1 và A2. Bằng lái xe thông dụng nhất là hạng A1.
Để được cấp giấy phép lái xe 02 hạng nêu trên thì theo khoản 1 và khoản 2 Điều 7 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, người học lái xe cần đảm bảo những điều kiện sau:
Điều kiện đối với người học lái xe
1. Là công dân Việt Nam, người nước ngoài được phép cư trú hoặc đang làm việc, học tập tại Việt Nam.
2. Đủ tuổi (tính đến ngày dự sát hạch lái xe), sức khỏe, trình độ văn hóa theo quy định; đối với người học để nâng hạng giấy phép lái xe, có thể học trước nhưng chỉ được dự sát hạch khi đủ tuổi theo quy định.
Trong đó, độ tuổi được lái xe máy hiện nay được quy định tại khoản 1 Điều 60 Luật Giao thông đường bộ 2008:
Tuổi, sức khỏe của người lái xe
1. Độ tuổi của người lái xe quy định như sau:
a) Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3;
b) Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg; xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi;
c) Người đủ 21 tuổi trở lên được lái xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải từ 3.500 kg trở lên; lái xe hạng B2 kéo rơ moóc (FB2);
d) Người đủ 24 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi; lái xe hạng C kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc (FC);
đ) Người đủ 27 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi; lái xe hạng D kéo rơ moóc (FD);
e) Tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi là 50 tuổi đối với nữ và 55 tuổi đối với nam.
Như vậy, những người từ 18 tuổi trở lên mới được thi bằng lái xe máy hạng A1 trở lên. Bạn năm nay chỉ mới 16 tuổi thì bạn chưa đủ tuổi để thi bằng lái xe máy.
Đối với những người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi dù chưa được thi bằng lái xe nhưng vẫn được phép điều khiển xe máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3.
Đối với loại xe có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3, không có quy định nào về việc cấp Giấy phép cho người điều khiển, do đó, người tham gia giao thông bằng xe dưới 50 cm3 sẽ không cần bằng lái.
Bao nhiêu tuổi được thi bằng lái xe máy? (Hình từ Internet)
Lái xe máy khi chưa đủ tuổi bị xử phạt bao nhiêu tiền?
Căn cứ khoản 1 và khoản 4 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP sửa đổi bởi khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới như sau:
Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới
1. Phạt cảnh cáo người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự xe mô tô hoặc điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô.
...
4. Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên;
b) Người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực.
Do đó, người chưa đủ tuổi mà điều khiển xe máy sẽ bị xử phạt cụ thể như sau:
- Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự xe mô tô hoặc điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô: Phạt cảnh cáo;
- Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên: Có thể bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng.
Thời gian đào tạo của bằng lái xe máy được quy định như thế nào?
Tại khoản 1 Điều 12 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT quy định đào tạo lái xe các hạng A1, A2, A3, A4 như sau:
Đào tạo lái xe các hạng A1, A2, A3, A4
1. Thời gian đào tạo
a) Hạng A1: 12 giờ (lý thuyết: 10, thực hành lái xe: 02);
b) Hạng A2: 32 giờ (lý thuyết: 20, thực hành lái xe: 12);
c) Hạng A3, A4: 80 giờ (lý thuyết: 40, thực hành lái xe: 40).
Như vậy, thời gian đào tạo của bằng lái xe máy sẽ phụ thuộc vào từng hạng, cụ thể như sau:
- Bằng lái xe máy hạng A1 là 12 giờ trong đó có 10 giờ lý thuyết và 02 giờ thực hành;
- Bằng lái xe máy hạng A2 là 32 giờ trong đó có 20 giờ lý thuyết và 12 giờ thực hành.
Trân trọng!