Từ 01/7/2023, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được tăng khoán quỹ phụ cấp?
Từ 01/7/2023, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được tăng khoán quỹ phụ cấp?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 34 Dự thảo Nghị định Quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố có quy định như sau:
Chế độ phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố
1. Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được hưởng chế độ phụ cấp. Ngân sách Trung ương thực hiện khoán quỹ phụ cấp bao gồm cả hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế để chi trả hàng tháng đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã như sau:
Đơn vị hành chính cấp xã loại 1 được khoán quỹ phụ cấp bằng 21,0 lần
mức lương cơ sở;
Đơn vị hành chính cấp xã loại 2 được khoán quỹ phụ cấp bằng 18,0 lần
mức lương cơ sở;
Đơn vị hành chính cấp xã loại 3 được khoán quỹ phụ cấp bằng 15,0 lần
mức lương cơ sở.
Đối với đơn vị hành chính cấp xã có số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã tăng thêm theo quy định tại khoản 2 Điều 33 Nghị định này thì tổng mức khoán quỹ phụ cấp được tăng thêm tương ứng (1,5 lần mức lương cơ sở/01 người hoạt động không chuyên trách tăng thêm).
Theo luật hiện hành, tại Điều 14 Nghị định 92/2009/NĐ-CP sửa đổi bởi khoản 5 Điều 2 Nghị định 34/2019/NĐ-CP quy định phụ cấp và khoán kinh phí đối với những người hoạt động không chuyên trách như sau:
Phụ cấp và khoán kinh phí đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã
1. Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được hưởng chế độ phụ cấp, chế độ bảo hiểm xã hội và chế độ bảo hiểm y tế. Ngân sách nhà nước thực hiện khoán quỹ phụ cấp, bao gồm cả hỗ trợ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế để chi trả hàng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã theo Quyết định phân loại đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn như sau:
a) Loại 1 được khoán quỹ phụ cấp bằng 16,0 lần mức lương cơ sở;
b) Loại 2 được khoán quỹ phụ cấp bằng 13,7 lần mức lương cơ sở;
c) Loại 3 được khoán quỹ phụ cấp bằng 11,4 lần mức lương cơ sở.
Như vậy, có thể thấy khoán quỹ phụ cấp của những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đã được tăng lên so với trước đây, cụ thể:
- Xã loại 1: Khoán quỹ phụ cấp bằng 21,0 lần mức lương cơ sở (so với hiện hành đang là 16,0 lần mức lương cơ sở thì đã tăng 5,0 lần mức lương cơ sở).
- Xã loại 2: Khoán quỹ phụ cấp bằng 18,0 lần mức lương cơ sở (so với hiện hành đang là 13,7 lần mức lương cơ sở thì đã tăng 4,3 lần mức lương cơ sở).
- Xã loại 3: Khoán quỹ phụ cấp bằng 15,0 lần mức lương cơ sở (so với hiện hành đang là 11,4 lần mức lương cơ sở thì đã tăng 3,6 lần mức lương cơ sở).
Từ 01/7/2023, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được tăng khoán quỹ phụ cấp? (Hình từ Internet)
Số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã có sự thay đổi?
Theo khoản 1 Điều 33 Dự thảo Nghị định Quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố có quy định số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố như sau:
Số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố
1.Số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được tính theo phân loại đơn vị hành chính cấp xã, cụ thể như sau: Loại I là 14 người; loại II là 12 người; loại III là 10 người.
Căn cứ Điều 13 Nghị định 92/2009/NĐ-CP sửa đổi bởi khoản 4 Điều 2 Nghị định 34/2019/NĐ-CP quy định như sau:
Số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được bố trí theo Quyết định phân loại đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn:
1. Loại 1 tối đa 14 người.
2. Loại 2 tối đa 12 người.
3. Loại 3 tối đa 10 người.
Theo đó, thay vì quy định số lượng tối đa người hoạt động không chuyên trách cấp xã theo đơn vị hành chính cấp xã thì Dự thảo chỉ quy định cụ thể số lượng người căn cứ loại xã.
Ngoài ra, theo khoản 2 Điều 33 Dự thảo Nghị định Quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố có quy định như sau:
Số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố
2. Ở những đơn vị hành chính cấp xã có dân số lớn hơn so với tiêu chuẩn về quy mô dân số của đơn vị hành chính cấp xã quy định tại các điều 3, 8, 9 và 11 Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25 tháng 5 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính (sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15 ngày 21 tháng 9 năm 2022) được tăng thêm số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã như sau:
a) Phường thuộc quận: Cứ tăng thêm đủ 5.000 người được tính thêm 01 người hoạt động không chuyên trách;
b) Phường thuộc thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương: Cứ tăng thêm đủ 3.500 người được tính thêm 01 người hoạt động không chuyên trách;
c) Phường thuộc thị xã và xã miền núi, vùng cao: Cứ tăng thêm đủ 2.500 người được tính thêm 01 người hoạt động không chuyên trách;
d) Thị trấn và xã đồng bằng: Cứ tăng thêm đủ 4.000 người được tính thêm 01 người hoạt động không chuyên trách;
đ) Xã và thị trấn ở hải đảo: Cứ tăng thêm đủ 1.600 người được tính thêm 01 người hoạt động không chuyên trách;
e) Phường ở hải đảo: Cứ tăng thêm đủ 1.400 người được tính thêm 01 người hoạt động không chuyên trách.
Do đó, đây là một điểm mới đáng chú ý tại Dự thảo so với các văn bản pháp luật trước đây là tăng thêm 01 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã khi cấp xã có dân số lớn hơn so với tiêu chuẩn.
Nguyên tắc quản lý người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã như thế nào?
Tại Điều 3 Dự thảo Nghị định Quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố có quy định nguyên tắc quản lý người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã như sau:
Nguyên tắc quản lý cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố
1. Quản lý cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất của cấp ủy đảng;
2. Bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ và phát huy trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị;
3. Kết hợp giữa tiêu chuẩn chức danh, số lượng, chức vụ, chức danh và vị trí việc làm ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.
Như vậy, nguyên tắc quản lý người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã cụ thể như sau:
+ Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất của cấp ủy đảng;
+ Bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ và phát huy trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị;
+ Kết hợp giữa tiêu chuẩn chức danh, số lượng, chức vụ, chức danh và vị trí việc làm ở cấp xã.
Trân trọng!