Đương sự có quyền yêu cầu thay đổi Chấp hành viên trong trường hợp nào?

Cho hỏi đương sự có quyền yêu cầu thay đổi Chấp hành viên trong trường hợp nào? Câu hỏi của anh Toản (Hải Phòng)

Đương sự có quyền yêu cầu thay đổi Chấp hành viên trong trường hợp nào?

Tại Điều 10 Nghị định 62/2015/NĐ-CP có quy định về yêu cầu thay đổi Chấp hành viên như sau:

Yêu cầu thay đổi Chấp hành viên
1. Đương sự có quyền yêu cầu thay đổi Chấp hành viên trong trường hợp sau đây:
a) Thuộc trường hợp quy định tại Khoản 5 Điều 21 Luật Thi hành án dân sự;
b) Chấp hành viên đã tham gia với tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng trong cùng vụ án đó;
c) Chấp hành viên chậm trễ giải quyết việc thi hành án;
d) Có căn cứ khác cho rằng Chấp hành viên không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.
2. Yêu cầu thay đổi Chấp hành viên phải được lập thành văn bản và gửi Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự đang thụ lý vụ việc, trong đó nêu rõ lý do và căn cứ của việc yêu cầu thay đổi Chấp hành viên. Trường hợp Chấp hành viên đang thi hành vụ việc là Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự thì đương sự gửi văn bản đến Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự hoặc Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự cấp trên trực tiếp.
3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu thay đổi Chấp hành viên, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự hoặc cơ quan quản lý thi hành án dân sự cấp trên phải xem xét, quyết định thay đổi Chấp hành viên; trường hợp không có căn cứ thay đổi Chấp hành viên thì trả lời bằng văn bản cho người đã có yêu cầu thay đổi Chấp hành viên và nêu rõ lý do.

Như vậy, đương sự có quyền yêu cầu thay đổi Chấp hành viên trong các trường hợp như sau:

- Chấp hành viên thực hiện việc thi hành án liên quan đến quyền, lợi ích của bản thân và những người sau đây:

+ Vợ, chồng, con đẻ, con nuôi;

+ Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, bác, chú, cậu, cô, dì và anh, chị, em ruột của Chấp hành viên, của vợ hoặc chồng của Chấp hành viên;

+ Cháu ruột mà Chấp hành viên là ông, bà, bác, chú, cậu, cô, dì.

- Chấp hành viên đã tham gia với tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng trong cùng vụ án đó;

- Chấp hành viên chậm trễ giải quyết việc thi hành án;

- Có căn cứ khác cho rằng Chấp hành viên không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.

Đương sự có quyền yêu cầu thay đổi Chấp hành viên trong trường hợp nào?

Đương sự có quyền yêu cầu thay đổi Chấp hành viên trong trường hợp nào? (Hình từ Internet)

Trường hợp nào Chấp hành viên được áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án?

Tại Điều 66 Luật Thi hành án dân sự 2008 có quy định về biện pháp bảo đảm thi hành án như sau:

Biện pháp bảo đảm thi hành án
1. Chấp hành viên có quyền tự mình hoặc theo yêu cầu bằng văn bản của đương sự áp dụng ngay biện pháp bảo đảm thi hành án nhằm ngăn chặn việc tẩu tán, huỷ hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án. Khi áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án, Chấp hành viên không phải thông báo trước cho đương sự.
2. Người yêu cầu Chấp hành viên áp dụng biện pháp bảo đảm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về yêu cầu của mình. Trường hợp yêu cầu áp dụng biện pháp bảo đảm không đúng mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng biện pháp bảo đảm hoặc cho người thứ ba thì phải bồi thường.
3. Các biện pháp bảo đảm thi hành án bao gồm:
a) Phong toả tài khoản;
b) Tạm giữ tài sản, giấy tờ;
c) Tạm dừng việc đăng ký, chuyển dịch, thay đổi hiện trạng về tài sản.

Như vậy, Chấp hành viên có quyền áp dụng ngay biện pháp bảo đảm thi hành án nhằm ngăn chặn việc tẩu tán, huỷ hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án.

Chấp hành viên phải tiến hành lập hồ sơ thi hành án trong thời hạn bao nhiêu ngày?

Tại Điều 8 Nghị định 62/2015/NĐ-CP có quy định về hồ sơ thi hành án như sau:

Hồ sơ thi hành án
1. Quyết định thi hành án là căn cứ để lập hồ sơ thi hành án. Mỗi quyết định thi hành án lập thành một hồ sơ thi hành án.
Trong thời hạn không quá 02 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Chấp hành viên phải tiến hành lập hồ sơ thi hành án.
2. Hồ sơ thi hành án phải thể hiện toàn bộ quá trình tổ chức thi hành án của Chấp hành viên đối với việc thi hành án, lưu giữ tất cả các tài liệu đã, đang thực hiện và được lưu trữ theo quy định của pháp luật về lưu trữ.

Như vậy, trong thời hạn không quá 02 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Chấp hành viên phải tiến hành lập hồ sơ thi hành án.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Chấp hành viên thi hành án dân sự

Mạc Duy Văn

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào