Người bị viêm gan A có được tham gia sản xuất thực phẩm không? Doanh nghiệp sử dụng người bị viêm gan A làm công việc sản xuất thực phẩm bị xử phạt hành chính như thế nào?

Cho tôi hỏi: Người bị viên gan A có được tham gia sản xuất thực phẩm không? Mong được tư vấn.

Người bị viêm gan A có được tham gia sản xuất thực phẩm không?

Khoản 9 Điều 5 Luật An toàn thực phẩm 2010 quy định về những hành vi bị cấm trong an toàn thực phẩm như sau:

Những hành vi bị cấm
...
8. Che dấu, làm sai lệch, xóa bỏ hiện trường, bằng chứng về sự cố an toàn thực phẩm hoặc các hành vi cố ý khác cản trở việc phát hiện, khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm.
9. Người mắc bệnh truyền nhiễm tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
10. Sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại cơ sở không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.
...

Điểm b khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 được sửa đổi, bổ sung bởi Điều 1 Quyết định 740/QĐ-BYT năm 2016 có quy định như sau:

Phân loại bệnh truyền nhiễm
1. Bệnh truyền nhiễm gồm các nhóm sau đây:
...
b) Nhóm B gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong.
Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B bao gồm bệnh do vi rút A-đê-nô (Adeno); bệnh do vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); bệnh bạch hầu; bệnh cúm; bệnh dại; bệnh ho gà; bệnh lao phổi; bệnh do liên cầu lợn ở người; bệnh lỵ A-míp (Amibe); bệnh lỵ trực trùng; bệnh quai bị; bệnh sốt Đăng gơ (Dengue), sốt xuất huyết Đăng gơ (Dengue); bệnh sốt rét; bệnh sốt phát ban; bệnh sởi; bệnh tay-chân-miệng; bệnh than; bệnh thủy đậu; bệnh thương hàn; bệnh uốn ván; bệnh Ru-bê-ôn (Rubeon); bệnh viêm gan vi rút; bệnh viêm màng não do não mô cầu; bệnh viêm não vi rút; bệnh xoắn khuẩn vàng da; bệnh tiêu chảy do vi rút Rô-ta (Rota); bệnh do vi rút Zika
...

Căn cứ theo các quy định nêu trên, viêm gan A được xếp vào loại các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong. Do đó, người bị viêm gan A sẽ không được tham gia sản xuất thực phẩm.

Người bị viêm gan A có được tham gia sản xuất thực phẩm không?

Người bị viêm gan A có được tham gia sản xuất thực phẩm không? (Hình từ Internet)

Doanh nghiệp sử dụng người bị viêm gan A làm công việc sản xuất thực phẩm bị xử phạt hành chính như thế nào?

Khoản 5 Điều 15 Nghị định 115/2018/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm e khoản 6 Điều 1 Nghị định 124/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính với hành vi sử dụng người bị viêm gan A làm công việc sản xuất thực phẩm như sau:

Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống thuộc loại hình cơ sở chế biến suất ăn sẵn, căng tin kinh doanh ăn uống, bếp ăn tập thể; bếp ăn, nhà hàng ăn uống, nhà hàng ăn uống của khách sạn, khu nghỉ dưỡng; cửa hàng ăn uống, cửa hàng, quầy hàng kinh doanh thức ăn ngay, thực phẩm chín và các loại hình khác thực hiện việc chế biến, cung cấp thực phẩm
...
5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn mà đang bị mắc bệnh: tả, lỵ, thương hàn, viêm gan A, E, viêm da nhiễm trùng, lao phổi, tiêu chảy cấp.
...

Khoản 2 Điều 3 Nghị định 115/2018/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm b khoản 2 Điều 1 Nghị định 124/2021/NĐ-CP quy định như sau:

Quy định về mức phạt tiền tối đa, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính
...
2. Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân, trừ quy định tại các khoản 1 và 5 Điều 4; khoản 6 Điều 5; khoản 5 Điều 6; khoản 6 Điều 9; khoản 7 Điều 11; Điều 18; Điều 19; điểm a khoản 3 Điều 20; khoản 1 Điều 21; các khoản 1 và 9 Điều 22; Điều 24; khoản 6 Điều 26 Nghị định này là mức phạt đối với tổ chức. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
...

Theo các quy định nêu trên, doanh nghiệp sử dụng người bị viêm gan A làm công việc sản xuất thực phẩm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp sử dụng người bị viêm gan A làm công việc sản xuất thực phẩm không?

Điểm a khoản 2 Điều 28 Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện như sau:

Thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân
...
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền:
a) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng đối với cá nhân và phạt tiền đến 100.000.000 đồng đối với tổ chức;
b) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
...

Theo quy định nêu trên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp sử dụng người bị viêm gan A làm công việc sản xuất thực phẩm.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Xử phạt vi phạm hành chính

Trần Thúy Nhàn

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào