Bị bệnh rối loạn nhân cách mà ra tay sát hại đồng nghiệp bị truy cứu trách nhiệm hình sự như thế nào?
Rối loạn nhân cách mà giết người có phải chịu trách nhiệm hình sự không?
Tại Điều 21 Bộ luật Hình sự 2015 quy định tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự như sau:
Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự
Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Tại Điều 447 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định điều kiện và thẩm quyền áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh như sau:
Điều kiện và thẩm quyền áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh
1. Khi có căn cứ cho rằng người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội không có năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 21 của Bộ luật hình sự thì tuỳ từng giai đoạn tố tụng, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải trưng cầu giám định pháp y tâm thần.
2. Căn cứ kết luận giám định pháp y tâm thần, Viện kiểm sát quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong giai đoạn điều tra, truy tố; Tòa án quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong giai đoạn xét xử và thi hành án.
Như vậy, rối loạn nhân cách có thể hiểu là môt bệnh làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.
Trường hợp 1: Nếu người phạm tội gây án trong khi mắc bệnh này sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Trường hợp 2: Nếu người phạm tội sau khi giám định tâm thần không mắc bệnh rối loạn nhân cách sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội do mình gây ra.
Trường hợp 3: Hoặc sau khi giết người mới bị mắc bệnh thì cơ quan có thẩm quyền sẽ quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh và người phạm tội có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự.
Không bị bệnh rối loạn nhân cách mà ra tay sát hại đồng nghiệp bị truy cứu trách nhiệm hình sự như thế nào? (Hình từ Internet)
Không bị bệnh rối loạn nhân cách mà ra tay sát hại đồng nghiệp bị truy cứu trách nhiệm hình sự như thế nào?
Tại Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015 có quy định truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi giết người như sau:
Tội giết người
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết 02 người trở lên;
b) Giết người dưới 16 tuổi;
c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.
2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, người không mắc bệnh rối loạn nhân cách mà có hành vi giết người sẽ bị phạt tù thấp nhất nhất là 07 năm tùy vào mức độ hành vi của người phạm tội.
Mức bồi thường thiệt hại cho người bị sát hại được quy định như thế nào?
Tại Điều 585 Bộ luật Dân sự 2015 quy định nguyên tắc bồi thường thiệt hại như sau:
Nguyên tắc bồi thường thiệt hại
1. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.
3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.
4. Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
5. Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.
Như vậy, mức bồi thường thiệt hại cho người bị sát hại dựa trên nguyên tắc bồi thường toàn bộ và kịp thời.
Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Xem toàn bộ VBHN các quy định được sửa đổi bổ sung nêu trên tại Văn bản hợp nhất 01/VBHN-VPQH năm 2017 hợp nhất Bộ luật Hình sự do Văn phòng Quốc hội ban hành. (Lưu ý văn bản hợp nhất không phải là văn bản quy phạm pháp luật, không được dùng làm căn cứ).
Trân trọng!
Lương Thị Tâm Như