Ngân hàng thương mại được thành lập tối đa bao nhiêu chi nhánh? Thay đổi tên chi nhánh được thực hiện như thế nào?
Ngân hàng thương mại được thành lập tối đa bao nhiêu chi nhánh?
Căn cứ tại khoản 1, khoản 2 Điều 7 Thông tư 21/2013/TT-NHNN có quy định về số lượng chi nhánh được thành lập, như sau:
Số lượng chi nhánh được thành lập
1. Số lượng chi nhánh của một ngân hàng thương mại được thành lập phải đảm bảo:
300 tỷ đồng x N1 + 50 tỷ đồng x N2 < C
Trong đó:
- C là giá trị thực của vốn điều lệ của ngân hàng thương mại đến thời điểm đề nghị (tính bằng tỷ Đồng Việt Nam).
- N1 là số lượng chi nhánh đã thành lập và đề nghị thành lập tại khu vực nội thành thành phố Hà Nội và khu vực nội thành thành phố Hồ Chí Minh.
- N2 là số lượng chi nhánh đã thành lập và đề nghị thành lập tại khu vực ngoại thành thành phố Hà Nội, khu vực ngoại thành thành phố Hồ Chí Minh; và các tỉnh, thành phố khác trực thuộc Trung ương.
2. Ngân hàng thương mại được thành lập tối đa 10 chi nhánh tại mỗi khu vực nội thành thành phố Hà Nội hoặc nội thành thành phố Hồ Chí Minh.
3. Ngân hàng thương mại có thời gian hoạt động dưới 12 tháng (tính từ ngày khai trương hoạt động đến thời điểm đề nghị) được phép thành lập không quá ba (03) chi nhánh và các chi nhánh này không được thành lập trên cùng một địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
4. Ngân hàng thương mại có thời gian hoạt động từ 12 tháng trở lên (tính từ ngày khai trương hoạt động đến thời điểm đề nghị) được phép thành lập không quá năm (05) chi nhánh trong một (01) năm tài chính.
5. Ngân hàng thương mại chấm dứt hoạt động chi nhánh tại khu vực nội thành thành phố Hà Nội, khu vực nội thành thành phố Hồ Chí Minh được phép thành lập tại các địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác số chi nhánh tương ứng với số chi nhánh đã chấm dứt hoạt động, ngoài số lượng chi nhánh tối đa được phép thành lập trong một (01) năm quy định tại khoản 4 Điều này.
Như vậy, số lượng chi nhánh ngân hàng được thành lập phải đảm bảo theo công thức:
300 tỷ đồng x N1 + 50 tỷ đồng x N2 < C
Với:
- C là giá trị thực của vốn điều lệ của ngân hàng thương mại đến thời điểm đề nghị.
- N1 là số lượng chi nhánh đã thành lập và đề nghị thành lập tại khu vực nội thành thành phố Hà Nội và khu vực nội thành thành phố Hồ Chí Minh.
- N2 là số lượng chi nhánh đã thành lập và đề nghị thành lập tại khu vực ngoại thành thành phố Hà Nội, khu vực ngoại thành thành phố Hồ Chí Minh; và các tỉnh, thành phố khác trực thuộc Trung ương.
Trong đó, được thành lập tối đa 10 chi nhánh tại mỗi khu vực nội thành thành phố Hà Nội hoặc nội thành thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó:
- Ngân hàng thương mại có thời gian hoạt động dưới 12 tháng (tính từ ngày khai trương hoạt động đến thời điểm đề nghị) được phép thành lập không quá ba (03) chi nhánh và các chi nhánh này không được thành lập trên cùng một địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
- Ngân hàng thương mại có thời gian hoạt động từ 12 tháng trở lên được phép thành lập không quá năm (05) chi nhánh trong một (01) năm tài chính.
Ngân hàng thương mại được thành lập tối đa bao nhiêu chi nhánh? Hồ sơ và trình tự thay đổi tên chi nhánh được thực hiện như thế nào? (Hình từ Internet)
Thay đổi tên chi nhánh ở trong nước được thực hiện như thế nào?
Căn cứ tại Điều 16 Thông tư 21/2013/TT-NHNN được sửa đổi bởi Khoản 8 Điều 1 Thông tư 01/2022/TT-NHNN có quy định về trình tự, hồ sơ thay đổi tên chi nhánh ở trong nước như sau:
Thay đổi tên chi nhánh ở trong nước, phòng giao dịch
Ngân hàng thương mại quyết định việc thay đổi tên chi nhánh ở trong nước, thay đổi tên phòng giao dịch; có văn bản báo cáo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh nơi đặt trụ sở chi nhánh ở trong nước, phòng giao dịch việc thay đổi này trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày chi nhánh ở trong nước, phòng giao dịch hoạt động theo tên mới.
Như vậy, thay đổi tên chi nhánh trong nước được thực hiện như sau:
- Ngân hàng thương mại quyết định việc thay đổi tên chi nhánh ở trong nước;
- Ngân hàng thương mại có văn bản báo cáo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh nơi đặt trụ sở chi nhánh ở trong nước việc thay đổi này trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày chi nhánh ở trong nước hoạt động theo tên mới.
Thay đổi địa điểm đặt trụ sở chi nhánh cần đáp ứng điều kiện nào?
Căn cứ tại khoản 3 Điều 17 Thông tư 21/2013/TT-NHNN được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 2 Thông tư 01/2022/TT-NHNN có quy định về thay đổi địa điểm đặt trụ sở chi nhánh ở trong nước, phòng giao dịch, như sau:
Thay đổi địa điểm đặt trụ sở chi nhánh ở trong nước, phòng giao dịch
...
3. Ngân hàng thương mại thay đổi địa điểm đặt trụ sở chi nhánh, phòng giao dịch phải đáp ứng:
a) Về yêu cầu: Các yêu cầu quy định tại điểm a, b, c khoản 1 Điều 14 Thông tư này.
b) Về hồ sơ:
(i) Văn bản của ngân hàng thương mại đề nghị chấp thuận thay đổi địa điểm đặt trụ sở chi nhánh, phòng giao dịch; trong đó báo cáo rõ việc đáp ứng điều kiện quy định tại điểm a Khoản này. Văn bản nêu cụ thể địa điểm đặt trụ sở chi nhánh phòng giao dịch;
(ii) Giấy tờ chứng minh việc sở hữu hoặc sử dụng hợp pháp trụ sở chi nhánh phòng giao dịch.
...
Như vậy, ngân hàng thương mại thay đổi địa điểm đặt trụ sở chi nhánh phải đáp ứng:
- Về yêu cầu:
+ Có quyền sở hữu hoặc sử dụng hợp pháp trụ sở chi nhánh; trụ sở phải đảm bảo lưu trữ chứng từ (trừ phòng giao dịch), thuận tiện và an toàn cho giao dịch, tài sản, có đầy đủ hệ thống đảm bảo an ninh, bảo vệ, hệ thống cấp điện, liên lạc duy trì liên tục, đáp ứng yêu cầu phòng, chống cháy nổ;
+ Trụ sở chi nhánh có kho tiền đảm bảo an toàn theo tiêu chuẩn quy định của Ngân hàng Nhà nước. Trường hợp ngân hàng thương mại có hơn một chi nhánh trên cùng địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ngân hàng thương mại phải có tối thiểu một chi nhánh có kho tiền theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và phải chịu trách nhiệm chuyển tiền của các chi nhánh không có kho tiền về chi nhánh có kho tiền sau khi kết thúc giờ giao dịch mỗi ngày làm việc;
+ Chi nhánh có hệ thống công nghệ thông tin kết nối trực tuyến với trụ sở chính và phòng giao dịch kết nối trực tuyến với chi nhánh quản lý; đảm bảo hệ thống công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu hoạt động liên tục, an toàn, bảo mật cho các hoạt động nghiệp vụ;
- Về hồ sơ:
+ Văn bản của ngân hàng thương mại đề nghị chấp thuận thay đổi địa điểm đặt trụ sở chi nhánh; trong đó báo cáo rõ việc đáp ứng các yêu cầu trên. Văn bản nêu cụ thể địa điểm đặt trụ sở chi nhánh phòng giao dịch;
+ Giấy tờ chứng minh việc sở hữu hoặc sử dụng hợp pháp trụ sở chi nhánh phòng giao dịch.
Trân trọng!
Võ Ngọc Trúc Quỳnh