Phòng giao dịch ngân hàng thương mại không được thực hiện những gì? Hồ sơ đề nghị chấp thuận đủ điều kiện thành lập phòng giao dịch được quy định như thế nào?
Phòng giao dịch ngân hàng thương mại không được thực hiện những gì?
Căn cứ khoản 3 Điều 3 Thông tư 21/2013/TT-NHNN có quy định về phòng giao dịch ngân hàng thương mại như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...
3. Phòng giao dịch là đơn vị phụ thuộc ngân hàng thương mại, được quản lý bởi một chi nhánh ở trong nước của ngân hàng thương mại, hạch toán báo sổ, có con dấu, có địa điểm đặt trụ sở trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt trụ sở chi nhánh quản lý. Phòng giao dịch không được thực hiện:
a) Quyết định cấp tín dụng cho một khách hàng vượt quá hai (02) tỷ đồng Việt Nam hoặc ngoại tệ quy đổi tương đương, trừ trường hợp khoản cấp tín dụng được đảm bảo toàn bộ bằng tiền, thẻ tiết kiệm, giấy tờ có giá do chính ngân hàng thương mại phát hành, trái phiếu chính phủ, tín phiếu kho bạc nhà nước;
b) Cung cấp dịch vụ thanh toán quốc tế.
...
Theo đó, phòng giao dịch ngân hàng thương mại không được thực hiện:
- Quyết định cấp tín dụng cho một khách hàng vượt quá 02 tỷ đồng Việt Nam hoặc ngoại tệ quy đổi tương đương, trừ trường hợp khoản cấp tín dụng được đảm bảo toàn bộ bằng tiền, thẻ tiết kiệm, giấy tờ có giá do chính ngân hàng thương mại phát hành, trái phiếu chính phủ, tín phiếu kho bạc nhà nước;
- Cung cấp dịch vụ thanh toán quốc tế.
Phòng giao dịch ngân hàng thương mại không được thực hiện những gì? Hồ sơ đề nghị chấp thuận đủ điều kiện thành lập phòng giao dịch được quy định như thế nào? (Hình từ Internet)
Điều kiện thành lập phòng giao dịch ngân hàng thương mại là gì?
Căn cứ tại Điều 10 Thông tư 21/2013/TT-NHNN được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 2 Thông tư 01/2022/TT-NHNN có quy định về điều kiện thành lập phòng giao dịch ngân hàng thương mại như sau:
Điều kiện thành lập phòng giao dịch
Để được thành lập phòng giao dịch, ngân hàng thương mại phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:
1. Đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 của Thông tư này.
2. Chi nhánh dự kiến quản lý phòng giao dịch phải đáp ứng các điều kiện:
a) Có thời gian hoạt động tối thiểu 12 tháng tính từ ngày khai trương hoạt động đến thời điểm đề nghị;
b) Có tỷ lệ nợ xấu tại thời điểm 31 tháng 12 năm trước liền kề năm đề nghị và tại thời điểm đề nghị không vượt quá 3% hoặc một tỷ lệ khác theo quyết định Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ;
c) Không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng bằng hình thức phạt tiền trong thời hạn 12 tháng trở về trước tính từ thời điểm đề nghị.
3. Đáp ứng điều kiện về số lượng phòng giao dịch được thành lập theo quy định tại Điều 11 Thông tư này.
Như vậy, để thành lập phòng giao dịch, ngân hàng thương mại phải đáp ứng các điều kiện say đây:
- Đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
+ Ngân hàng thương mại có thời gian hoạt động từ 12 tháng trở lên (tính từ ngày khai trương hoạt động đến thời điểm đề nghị);
+ Có giá trị thực của vốn điều lệ tại thời điểm 31 tháng 12 của năm trước liền kề năm đề nghị không thấp hơn mức vốn pháp định;
+ Hoạt động kinh doanh có lãi theo báo cáo tài chính hợp nhất và báo cáo tài chính riêng lẻ được kiểm toán của năm trước liền kề năm đề nghị;
+ Tuân thủ các hạn chế để bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng và các hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước liên tục trong thời gian 12 tháng trước tháng đề nghị;
+ Thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro theo quy định của Ngân hàng Nhà nước; tỷ lệ nợ xấu tại thời điểm 31 tháng 12 của năm trước liền kề năm đề nghị và tại thời điểm đề nghị không vượt quá 3% hoặc một tỷ lệ khác theo quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ;
+ Tại thời điểm đề nghị, Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát có số lượng và cơ cấu theo đúng quy định của pháp luật, không bị khuyết Tổng giám đốc;
+ Tại thời điểm đề nghị, ngân hàng thương mại có bộ phận kiểm toán nội bộ và hệ thống kiểm soát nội bộ;
+ Không thuộc đối tượng phải thực hiện biện pháp không được mở rộng mạng lưới theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng;
+ Đáp ứng điều kiện về số lượng chi nhánh được phép thành lập.
- Điều kiện đối với chi nhánh dự kiến quản lý phòng giao dịch:
+ Có thời gian hoạt động tối thiểu 12 tháng tính từ ngày khai trương hoạt động đến thời điểm đề nghị;
+ Có tỷ lệ nợ xấu tại thời điểm 31 tháng 12 năm trước liền kề năm đề nghị và tại thời điểm đề nghị không vượt quá 3% hoặc một tỷ lệ khác theo quyết định Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ;
+ Không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng bằng hình thức phạt tiền trong thời hạn 12 tháng trở về trước tính từ thời điểm đề nghị.
- Đáp ứng điều kiện về số lượng phòng giao dịch được thành lập.
Hồ sơ đề nghị chấp thuận đủ điều kiện thành lập phòng giao dịch ngân hàng thương mại bao gồm những gì?
Căn cứ tại Điều 12 Thông tư 21/2013/TT-NHNN có quy định về hồ sơ đề nghị chấp thuận đủ điều kiện thành lập phòng giao dịch ngân hàng thương mại, bao gồm:
- Văn bản của ngân hàng thương mại đề nghị Ngân hàng Nhà nước chấp thuận đủ điều kiện thành lập phòng giao dịch ở trong nước.
Tải Mẫu Văn bản của ngân hàng thương mại đề nghị Ngân hàng Nhà nước chấp thuận đủ điều kiện thành lập phòng giao dịch ở trong nước: Tại đây
- Nghị quyết của Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên về việc thành lập phòng giao dịch. Trong đó, đối với việc thành lập phòng giao dịch, Nghị quyết của Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên phải nêu rõ:
+ Tên, địa điểm đặt trụ sở, chi nhánh dự kiến quản lý phòng giao dịch
+ Các nghiệp vụ phòng giao dịch sẽ thực hiện
+ Phạm vi hoạt động về mặt địa lý và đối tượng khách hàng chính.
- Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông (đối với ngân hàng thương mại cổ phần);
Nghị quyết của Hội đồng thành viên (đối với ngân hàng thương mại trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên);
Ý kiến chấp thuận của Chủ sở hữu (đối với ngân hàng thương mại trách nhiệm hữu hạn một thành viên) thông qua việc thành lập ngân hàng 100% vốn ở nước ngoài.
- Đề án thành lập từng chi nhánh ở trong nước, trong đó phải có tối thiểu các nội dung sau:
+ Tên đầy đủ bằng tiếng Việt; tên viết tắt bằng tiếng Việt; địa chỉ; nội dung hoạt động; đối tượng khách hàng chính;
+ Lý do thành lập và lý do lựa chọn địa bàn thành lập;
+ Cơ cấu tổ chức: Sơ đồ tổ chức gồm các phòng ban của chi nhánh;
+ Nghiên cứu khả thi: Phân tích môi trường kinh doanh, thị trường mục tiêu các cơ hội kinh doanh cần nắm bắt và kế hoạch chiếm lĩnh thị trường;
+ Phương án kinh doanh dự kiến trong ba (03) năm đầu, trong đó tối thiểu bao gồm: dự kiến bảng cân đối kế toán; báo cáo kết quả kinh doanh; căn cứ xây dựng phương án và thuyết minh khả năng thực hiện phương án trong từng năm.
- Các văn bản khác chứng minh việc đáp ứng các điều kiện thành lập phòng giao dịch.
Trân trọng!
Võ Ngọc Trúc Quỳnh