Từ năm 2023, tất cả các gói thầu mua thuốc bắt buộc phải tổ chức theo hình thức đấu thầu qua mạng?
Lộ trình áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng năm 2023 được quy định như thế nào?
Căn cứ khoản 2 Điều 37 Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT về lộ trình áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng năm 2023 có quy định như sau:
- Tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng đối với 100% gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, hạn chế hay chào hàng cạnh tranh thuộc lĩnh vực hàng hóa, xây lắp, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ tư vấn có giá gói thầu không quá 200 tỷ đồng, trừ gói thầu hỗn hợp, gói thầu áp dụng hai giai đoạn một túi hồ sơ, hai giai đoạn hai túi hồ sơ;
- Việc tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng trong năm phải bảo đảm tổng số lượng gói thầu đạt tối thiểu 90% số lượng gói thầu và tối thiểu 80% tổng giá trị gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh, trừ gói thầu hỗn hợp, gói thầu áp dụng phương thức hai giai đoạn một túi hồ sơ, hai giai đoạn hai túi hồ sơ;
- Tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng đối với 100% gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh sử dụng vốn nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của:
+ cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội
+ Đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập;
+ Gói thầu hỗn hợp, gói thầu áp dụng phương thức hai giai đoạn một túi hồ sơ, hai giai đoạn hai túi hồ sơ sẽ không áp dụng hình thức này.
Từ năm 2023, tất cả các gói thầu mua thuốc bắt buộc phải tổ chức theo hình thức đấu thầu qua mạng? (Hình từ Internet)
Từ năm 2023, tất cả các gói thầu mua thuốc bắt buộc phải tổ chức theo hình thức đấu thầu qua mạng?
Căn cứ Công văn 1647/BYT-KH-TC năm 2023 chuyển văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về lộ trình áp dụng đấu thầu thuốc qua mạng do Bộ Y tế ban hành có quy định như sau:
Ngày 24/02/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Công văn số 1253/BKHĐT- QLĐT phúc đáp Công văn số 698/BYT-KH-TC ngày 16/02/2023 của Bộ Y tế. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định: “Căn cứ các quy định nêu trên của Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT và Thông tư số 58/2016/TT-BTC , kể từ ngày 01/01/2023, đối với gói thầu mua thuốc sử dụng vốn nhà nước (bao gồm cả nguồn quỹ bảo hiểm y tế, nguồn thu từ dịch vụ khám, chữa bệnh) để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của năm 2023 áp dụng đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh thì phải tổ chức đấu thầu qua mạng. Đối với gói thầu mua thuốc thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu nhưng không sử dụng nguồn chi thường xuyên thì phải tổ chức đấu thầu qua mạng theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 37 Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT.”.
Theo đó, căn cứ các quy định của Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT và Thông tư 58/2016/TT-BTC thì kể từ ngày 01/01/2023:
- Đối với gói thầu mua thuốc sử dụng vốn nhà nước (bao gồm cả nguồn quỹ bảo hiểm y tế, nguồn thu từ dịch vụ khám, chữa bệnh) để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của năm 2023 áp dụng đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh thì phải tổ chức đấu thầu qua mạng.
- Đối với gói thầu mua thuốc thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu nhưng không sử dụng nguồn chi thường xuyên thì phải tổ chức đấu thầu qua mạng theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 37 Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT.
Đấu thầu thuốc qua mạng được thực hiện thế nào?
Căn cứ Điều 35 Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT quy định về đấu thầu thuốc qua mạng cụ thể như sau:
- Bên mời thầu lập E-HSMT gồm những nội dung sau:
+ Các nội dung của E-HSMT được thực hiện trên webform bao gồm: Bảng dữ liệu, Đơn dự thầu, Thỏa thuận liên danh (nếu có), Biểu “giá dự thầu và Bảng phạm vi cung cấp, tiến độ cung cấp và yêu cầu kỹ thuật của thuốc”.
+ Các nội dung còn lại của E-HSMT được bên mời thầu lập và đính kèm trên Hệ thống.
- Việc lập E-HSMT căn cứ vào các webform pháp luật quy định. Việc đánh giá E-HSDT phải căn cứ vào tiêu chuẩn đánh giá E-HSDT và các yêu cầu khác trong E-HSMT, căn cứ vào E-HSDT đã nộp, các tài liệu giải thích, làm rõ E-HSDT của nhà thầu để bảo đảm lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực và kinh nghiệm, có giải pháp khả thi để thực hiện gói thầu.
- Sau khi lập E-HSMT, bên mời thầu in E-HSMT trình chủ đầu tư tổ chức thẩm định, phê duyệt. Bên mời thầu chịu trách nhiệm về sự thống nhất giữa nội dung E-HSMT được phê duyệt và E-HSMT trên Hệ thống. Trường hợp có sự khác biệt giữa nội dung E-HSMT được phê duyệt và E-HSMT trên Hệ thống thì nội dung trên Hệ thống là cơ sở để lập, đánh giá E-HSDT.
- E-HSMT được phát hành miễn phí trên Hệ thống. Bên mời thầu không được phát hành hồ sơ mời thầu bản giấy cho nhà thầu, trường hợp bên mời thầu phát hành bản giấy cho nhà thầu thì bản giấy không có giá trị pháp lý để lập, đánh giá hồ sơ dự thầu. Nhà thầu tham dự thầu phải nộp chi phí theo quy định pháp luật.
- Trường hợp cần sửa đổi E-HSMT, bên mời thầu đăng nhập và chỉnh sửa trực tiếp trên Hệ thống sau khi có sự chấp thuận về nội dung của chủ đầu tư.
- Trường hợp có sự khác biệt giữa thông tin trong file đính kèm E-HSMT phát hành trên Hệ thống và các thông tin trong webform thì thông tin trong webform là cơ sở để lập, đánh giá E-HSDT.
- Nhà thầu lập biểu giá dự thầu theo webform, cam kết các nội dung trong đơn dự thầu được Hệ thống tạo ra trên Hệ thống, trường hợp liên danh thì thực hiện liên danh trên Hệ thống. Các nội dung còn lại của E-HSDT do nhà thầu đính kèm trên Hệ thống. Trường hợp có sự sai khác giữa thông tin trên webform và thông tin trong file đính kèm E-HSDT thì thông tin trên webform là cơ sở để đánh giá E-HSDT.
- Trường hợp có sự không thống nhất giữa quy định về đấu thầu thuốc qua mạng, Mẫu số 7A, Mẫu số 7B ban hành kèm theo 08/2022/TT-BKHĐT với các quy định còn lại của Thông tư này thì áp dụng quy định về đấu thầu thuốc qua mạng và Mẫu số 7A, Mẫu số 7B trên.
Tải về Mẫu số 7A sử dụng để lập E-HSMT áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi theo phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ:
Tải về Mẫu số 7B sử dụng để lập E-HSMT áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi theo phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ:
Trân trọng!
Nguyễn Võ Linh Trang